Thứ Sáu, 19/4/2024
Dân vận và an dân

Hơn 20 bài tham luận và các ý kiến trực tiếp tại tọa đàm đã phân tích kỹ những kết quả, hạn chế, nguyên nhân tồn tại và nêu ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các dự án. Trong đó, thống nhất cao việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải tỏa, đền bù tái định cư phải có sự đóng góp tích cực của công tác Dân vận; đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đảm bảo ổn định đời sống người dân trên tinh thần bằng hoặc tốt hơn so với trước khi tái định cư hoặc nơi ở cũ.


 Quang cảnh Tọa đàm

Quan tâm đến lợi ích của dân 

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho biết, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 1.071 dự án với diện tích đất thu hồi khoảng trên 11.400 ha. Trong đó có 851 dự án đã thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thực hiện với diện tích 10.887 ha. Nhiều dự án quan trọng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội như: quốc lộ 20, đường Võ Nguyên Giáp; cầu Đồng Nai mới, cầu An Hảo và tuyến dẫn 2 đầu cầu; đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... Trong quá trình thực hiện, Sở quán triệt nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên, quan tâm việc ổn định đời sống người dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi dẫn đến có sự so bì, khiếu nại giữa người đã được bồi thường theo chính sách cũ và người đang được bồi thường theo chính sách mới, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Một số dự án vẫn còn kéo dài do nhiều nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thực hiện...

Trưởng ban hành giáo Giáo xứ Thái Lạc (huyện Long Thành) Phan Văn Tứ chia sẻ: “Nhờ quan tâm đến đời sống người dân và làm tốt công tác vận động nên hiện nay 100% các hộ dân trong giáo xứ đã đồng thuận, thực hiện việc bàn giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường vào khu tái định cư Long An để tiếp tục làm ăn, ổn định cuộc sống; 100% các tuyến đường trong giáo xứ đều được bê tông hóa, trồng cây xanh, có điện thắp sáng, góp phần tích cực vào thành quả xã Long An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Đại diện Tổ vận động bàn giao mặt bằng huyện Nhơn Trạch cho rằng, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư phải được thực hiện trên lợi ích hài hòa giữa các bên, trong đó, lợi ích của người dân, nhất là những hộ dân bị thu hồi đất cần được quan tâm, đảm bảo để họ đồng thuận với cấp ủy, chính quyền tự nguyện thực hiện, bàn giao mặt bằng, phục vụ những dự án kinh tế - xã hội. 

Một vấn đề trong cuộc tọa đàm được nhiều ý kiến đề cập là vai trò gương mẫu, chủ động thực hiện nhiệm vụ, lắng nghe và đối thoại với dân để dân tin, dân đồng thuận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Khi thực hiện công tác này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh công việc, sợ trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách đền bù để trục lợi...”.

Nâng cao vai trò công tác Dân vận

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, trước khi tổ chức buổi tọa đàm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Biên Hòa tổ chức khảo sát, lấy ý kiến 1.186 cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong vùng thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư và vai trò của công tác Dân vận trong tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, còn cử cán bộ đến tận nhà các hộ dân diện thu hồi đất để lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. “Kết quả khảo sát cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, chính quyền địa phương và tổ chức làm nhiệm vụ này đã quan tâm đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, những quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi được đảm bảo, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân với chính quyền trong triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn nêu rõ.


 Lấy ý kiến người dân tại xã Tam Phước

Cũng qua kết quả khảo sát ghi nhận, cơ chế, chính sách còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, nhất là mức giá áp dụng bồi thường cho dân khi Nhà nước thu hồi đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Đối với các dự án mang tính chất kinh doanh, việc áp dụng mức giá bồi thường chung theo quy định của Nhà nước chưa tạo sự đồng thuận của dân, chưa đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân; nhiều dự án quy hoạch kéo dài, gia hạn nhiều lần chưa được thực hiện hoặc thay đổi quy hoạch gây khó khăn cho đời sống người dân có đất bị thu hồi...

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương ghi nhận: Đồng Nai là một trong những tỉnh khá chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền làm tốt nhiệm vụ này. Nhờ thực hiện tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” của Ban Dân vận các cấp đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, luôn là tỉnh trong nhóm dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội.

Để công tác Dân vận được thực hiện tốt, các đoàn thể tham gia tích cực hơn nữa trong nhiệm vụ thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư, cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, công chức viên chức và nhân dân, nhất là Nghị quyết Trung ương 25 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận trong tình hình mới”; tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy các cấp lãnh đạo, phối hợp chặt với chính quyền thực hiện tốt quy chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” nhằm tạo sự đồng thuận của dân với Đảng, chính quyền trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

“Trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của công tác Dân vận trong tham gia giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù tái định cư; phải xác định rõ người thuộc diện thu hồi đất là người trực tiếp đóng góp tài sản vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên phải được ghi nhận và là diện được hỗ trợ chính sách xã hội có thời hạn; phấn đấu để người thuộc diện phải thu hồi đất được bố trí tái định cư đến nơi ở mới nhanh nhất, ổn định và có mức sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường chỉ đạo.

Nguồn: laodongdongnai.vn, ngày 18/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất