Thứ Bảy, 4/5/2024

Xin lỗi dân, đâu chỉ là văn hóa

Thời gian qua, có không ít vụ việc lãnh đạo chính quyền, cơ quan nhà nước còn “nợ” người dân một lời xin lỗi. Nhiều vụ sai phạm gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đặc biệt về kinh tế, người dân là đối tượng chính chịu ảnh hưởng, thiệt hại thì vẫn không nhận được lời xin lỗi. Tình trạng vô trách nhiệm, đổ lỗi, thêm vào đó, tệ quan liêu hành chính, thái độ vô cảm, gây phiền hà cho người dân vẫn còn diễn ra ở các cơ quan nhà nước.

Việc cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức lên tiếng xin lỗi có ý nghĩa rất đặc biệt. Nó không chỉ đơn giản là câu nói, lời nhận lỗi mà là thể hiện trách nhiệm, ý thức, lòng tự trọng của người cán bộ, công chức đối với nhân dân, đất nước. Chính vì vậy, việc công khai xin lỗi người dân của những vị lãnh đạo chính quyền, cơ quan nhà nước gần đây được dư luận đồng tình và hoan nghênh.

Từ tháng 9/2014 đến nay, lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã gửi 409 thư xin lỗi đến người dân, vì việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai không đúng hẹn. Trong thư xin lỗi có nêu rõ nguyên nhân trễ hẹn và hẹn ngày trả kết quả cho người dân. Việc làm này khiến người dân huyện Nhơn Trạch rất hài lòng vì cảm thấy được chính quyền tôn trọng.

Sáng ngày 17/4 vừa qua, tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân Tối cao đã xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết án oan về tội giết người hơn 10 năm trước đây. Cùng với đó, Tòa án nhân dân Tối cao đăng tin xin lỗi cải chính công khai trên báo Công lý và tiếp tục thương lượng, phối hợp các cơ quan chức năng để giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật. Việc Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức công khai xin lỗi nạn nhân án oan đã thể hiện sự thiện chí, cầu thị, được dư luận trông chờ và hoan nghênh bởi lời xin lỗi là việc cần phải làm của cơ quan tố tụng, khi gây ra những hậu quả rất lớn, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp.

Trong lịch sử cách mạng nước ta, Bác Hồ đã từng xin lỗi dân. Hội nghị Trung ương 10 mở rộng của Đảng tháng 9 năm 1956 đã kiểm điểm nghiêm khắc các sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ thay mặt Đảng công khai xin lỗi nhân dân. Đó là văn hóa rất đáng quý của người lãnh đạo, của một Đảng lãnh đạo.

Văn hóa xin lỗi cùng với văn hóa từ chức đã hình thành và định hình rõ nét, thành nếp sống văn hóa của các quốc gia tiên tiến, phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapo… Nhờ có văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức mà nền hành chính công vụ của các nước này ngày càng tiến bộ, hoàn thiện, góp phần giúp các nước đạt được những thành tựu vượt bậc trên tất cả mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ…

Hành động xin lỗi dân tuy nhỏ nhưng có tác dụng lớn bởi nó không chỉ là văn hóa mà còn là một biểu hiện của tinh thần cầu thị, dám chịu trách nhiệm của một chính quyền biết tôn trọng dân. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là sau xin lỗi phải sửa lỗi bằng những hành động cụ thể; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết khắc phục để không còn xảy ra những lỗi như vậy.

Hà Thanh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN