Thứ Bảy, 4/5/2024

Thực trạng và giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc

Ngay từ những năm đầu tái lập (1997), Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế của Trung ương đã được tỉnh cụ thể hóa nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Do vậy, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,11%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng  62,5%; dịch vụ 27,7%; nông, lâm nghiệp, thủy sản còn 8,9%; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; giải quyết việc làm được chú trọng. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Vĩnh Phúc đã thu hút hàng vạn lao động trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận về làm việc tại các doanh nghiệp. Vì vậy, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân đang là vấn đề rất được quan tâm bởi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần càng trở nên cần thiết và là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho người công nhân tái tạo sức lao động của mình cũng như tăng cường sức sáng tạo trong lao động sản xuất của mỗi công nhân.

Phát triển công nghiệp gắn với việc nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của công nhân lao động (CNLĐ)

Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg, ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp (KCN) đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trên cơ sở điều chỉnh gần nhất, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 17 KCN, với quy mô hơn 5.000 ha, phân bố ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Các KCN đã thực hiện toàn bộ hoặc một phần diện tích tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên… Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong KCN đi vào ổn định, phát triển và có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 69,2 ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 48,2 ngàn lao động; trong đó: Lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 46,3 ngàn; doanh nghiệp trong nước là 1,9 ngàn; lao động là người địa phương chiếm trên 70%.

Nhìn chung, mức thu nhập bình quân của CNLĐ tại các KCN tỉnh năm 2014 phổ biến đạt khoảng 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng; trong đó có một số doanh nghiệp mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ đối với người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được chủ doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt. Các doanh nghiệp đều bố trí bữa ăn ca cho CNLĐ, mức ăn ca từ 10.000- 22.000đ/bữa, đa số các doanh nghiệp may mặc có định mức ăn ca 10.000đ/bữa.

Công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, hoạt động xã hội được chính quyền, Công đoàn các cấp và các doanh nghiệp quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 682/QĐ-CT về việc phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN trên địa bàn tỉnh năm 2015, định hướng đến năm 2020; hiện tại trên địa bàn tỉnh có 10 dự án nhà ở xã hội (6 dự án nhà thu nhập thấp với tổng diện tích 22,9 ha, đáp ứng chỗ ở cho 20.500 người), đến nay đã triển khai và hoàn thiện được 02 dự án nhà ở công nhân và người thu nhập thấp với 808 căn hộ; dự án nhà văn hóa công nhân KCN Khai Quang, tổng mức đầu tư 9,6 tỷ đồng, nhà văn hóa công nhân khu Bá Thiện với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2015. Đây là những đề án có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Do vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện để đề án phát huy hiệu quả cao nhất. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UNBD tỉnh quyết định đầu tư dự án xây dựng trường mầm non công lập cho CNLĐ KCN Khai Quang từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với quy mô 1.000 cháu, đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2015. Đến năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN và lắp đặt 30 phòng vắt trữ sữa trong các doanh nghiệp có trên 500 công nhân nữ, đến nay đã có 13 phòng hoàn thiện và đi vào hoạt động. Đối với việc đầu tư phòng vắt sữa, kinh phí tỉnh hỗ trợ 38 triệu đồng/phòng, số còn lại là kinh phí của doanh nghiệp.

Các hoạt động văn hóa phục vụ CNLĐ ở các KCN được Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: tổ chức giao lưu nghệ thuật “Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát”, tổ chức giải bóng đá nữ trong các KCN, tổ chức nhiều buổi chiếu phim miễn phí; tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật cho chủ sử dụng lao động và CNLĐ theo tinh thần Đề án 31 của Chính phủ. Tỉnh quyết định cấp miễn phí 1 số báo Vĩnh Phúc cho 100% công đoàn cơ sở; Liên đoàn lao động tỉnh cấp một số báo Lao động cho tất cả các Công đoàn cơ sở của doanh nghiệp trong các KCN; xây dựng 210 tủ sách pháp luật cho 210 doanh nghiệp để CNLĐ, người sử dụng lao động, Công đoàn cơ sở nghiên cứu thực hiện chính sách đối với người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai Dự án đặt 01 kiốt thông tin tại khu nhà trọ thôn Vĩnh Thịnh Đông (sát KCN Khai Quang) để giúp CNLĐ trong các khu nhà trọ được cung cấp, tiếp nhận thông tin hằng ngày; thành lập và duy trì 6 nhóm công nhân nòng cốt trong khu nhà trọ, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần để tiếp nhận thông tin, đối thoại với CNLĐ trong khu nhà trọ, tuyên truyền các chế độ chính sách, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của CNLĐ, tổ chức các buổi tư vấn lưu động trong khu nhà trọ…

Mặc dù việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm nhưng thực trạng đời sống văn hóa tinh thần của người lao động nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Sau giờ làm việc, đa số CNLĐ dành thời gian cho công việc gia đình nên ít có điều kiện tiếp cận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, Internet… Việc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân trong các KCN chủ yếu tổ chức ngoài giờ làm việc và vào ngày nghỉ. Còn rất thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao tại các KCN. Tại các khu nhà trọ do người dân xây dựng cho thuê với diện tích bình quân khoảng 10m2, mức thuê gần 500.000 đồng/1 tháng, tiện nghi nhà trọ rất đơn sơ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người lao động. Do vậy, hầu hết CNLĐ hiện nay sống ở khu nhà trọ trong môi trường “ba không”: Không ti vi, không sách báo, không Internet...

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là từ doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên chưa quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Ngoài ra, bản thân CNLĐ cũng không có thời gian để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao cũng như việc hưởng thụ văn hóa tinh thần vì phải làm thêm ca, thêm giờ.

Một số giải pháp chủ yếu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các KCN.

Thứ nhất, cần phải tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách hiện có của Trung ương, đi đôi với việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là của các doanh nghiệp về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, các cơ quan Trung ương cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ tại các KCN, để cấp tỉnh cụ thể hóa triển khai thực hiện. Cần xác định 3 nguồn lực chủ yếu, đó là: ngân sách nhà nước,  đóng góp của doanh nghiệp, nguồn xã hội hóa. Trong quy hoạch các KCN tỉnh cần dành quỹ đất hợp lý để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao, khu dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí…

Thứ hai, tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho CNLĐ, phát triển KCN gắn với quy hoạch các khu nhà ở xã hội hoặc khu nhà cho công nhân thuê phù hợp với thu nhập của người lao động; có cơ chế để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dự án này. Tổ chức quản lý chặt chẽ các khu nhà trọ; tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ đối với việc cải thiện chất lượng, với giá thuê hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong KCN hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định việc làm và nâng cao thu nhập cho CNLĐ. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho CNLĐ.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ, nhất là phổ biến kịp thời nội dung các quy định, cơ chế, chính sách liên quan để CNLĐ biết được quyền và trách nhiệm của mình. Nâng cao nhận thức pháp luật giúp cho công nhân có lối sống lành mạnh, trách nhiệm và tuân thủ pháp luật.

Thứ năm, cần tổng kết, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng mô hình sinh hoạt văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp như ki-ốt thông tin, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, điểm tư vấn pháp luật công nhân, tổ tự quản công nhân, sinh hoạt nhóm công nhân nòng cốt trong khu nhà trọ để tiếp nhận thông tin, tuyên truyền các chế độ chính sách với người lao động, tư vấn, giải đáp thắc mắc, đề xuất của CNLĐ. Xây dựng nếp sống văn minh công nghiệp và văn minh đô thị, phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền viên pháp luật, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội... từ chính những người lao động.

Thứ sáu, phát triển, củng cố tổ chức đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức này, bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, để thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của CNLĐ và của chủ doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đánh cho công nhân cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Bùi Huy Vĩnh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN