Thứ Sáu, 3/5/2024

Vai trò của thực hiện Quy chế dân chủ đối với việc củng cố, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở

Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn (cấp xã) là một chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước ta để giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Xác định đúng đắn tầm quan trọng của thực hiện QCDC ở cấp xã; Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để phát huy dân chủ cơ sở trong đời sống xã hội.

Thực hiện QCDC cấp xã vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. QCDC cấp xã quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Với tư cách là một chủ thể của thực hiện QCDC cấp xã, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ mà có các hình thức thực hiện khác nhau trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Trước hết, thực hiện QCDC cấp xã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng của các tổ chức đảng, đảng viên.

Thực hiện QCDC cấp xã chính là cụ thể hóa quan điểm của Đảng về dân chủ, đưa quan điểm dân chủ ở cơ sở của Đảng vào cuộc sống trong cộng đồng dân cư. Để thực hiện tốt sự lãnh đạo của mình, các tổ chức đảng và đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao nhận thức về thực hiện dân chủ ở cấp xã. Các cấp ủy đảng đã đổi mới phương thức lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của nhân dân để xây dựng Đảng; nhiều nghị quyết của cấp ủy được đưa ra lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do vậy, hầu hết các nghị quyết của cấp ủy đảng ở cơ sở phù hợp với thực tiễn và thực sự đi vào cuộc sống.

Trên cơ sở nâng cao nhận thức về dân chủ cấp xã, các cán bộ, đảng viên đã gương mẫu tiên phong trong việc thực hiện QCDC ở cấp xã, tích cực giúp đỡ tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện. Cấp ủy, đảng viên lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, sửa chữa khuyết điểm với tinh thần trách nhiệm, thực sự cầu thị, gắn bó với dân; không có hiện tượng lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để bôi nhọ, vu khống; khắc phục tình trạng e dè, nể nang, xuê xoa trong đấu tranh phê bình, dân tin Đảng, Đảng gần dân hơn. Ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên được nâng lên, nền nếp sinh hoạt kỷ cương, kỷ luật được tăng cường. Đồng thời, tiếp thu phê bình của dân, nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã nghiêm khắc tự phê bình kiểm điểm trước dân, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mắc sai lầm khuyết điểm. Qua đó, xây dựng và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân địa phương.

Hai là, thực hiện QCDC cấp xã góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở: Thực hiện QCDC cấp xã đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân đối với những yêu cầu cơ bản nhất trong cách làm việc, ứng xử của chính quyền cơ sở đối với nhân dân, góp phần quan trọng vào sự đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành chỉ đạo, quản lý của chính quyền. Chuyển biến rõ nét nhất là sự thay đổi về nhận thức và cách thức, lề lối làm việc của chính quyền theo hướng dân chủ hơn, công khai hơn. Cán bộ, công chức cấp xã đã sâu sát hơn, biết lắng nghe ý kiến Nhân dân trong việc xây dựng các mục tiêu, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc thực hiện chức năng công quyền cũng như chăm lo đến quyền lợi của nhân dân đã minh bạch, hiệu quả hơn, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhân dân đã được tôn trọng, được chính quyền lắng nghe và tiếp thu ý kiến. Cùng với việc công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, qua các cuộc họp thì tại trụ sở của UBND xã đã niêm yết công khai các nội dung hướng dẫn các thủ tục giải quyết các công việc có liên quan nhiều và trực tiếp đến dân như: hồ sơ đăng ký hộ khẩu, mua bán nhà đất, các khoản thu phí, lệ phí, đóng góp của dân, công khai chương trình và lịch công tác của UBND cũng như các cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Nhiều nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND được đưa ra nhân dân góp ý trước khi chính quyền quyết định ban hành, nội dung chương trình kỳ họp HĐND cũng được thông báo rộng rãi để nhân dân biết.

Thực tế hiện nay cho thấy đa số các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được quy chế về công khai tài chính, quản lý, bảo vệ và sử dụng tài sản công, quy chế tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ gìn vệ sinh môi trường, quy chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng… Nhiều Ban Thanh tra nhân dân đã phối hợp với chính quyền thực hiện tốt chức năng của mình. Các quy chế, quy ước được thực hiện góp phần đưa hoạt động của chính quyền đi vào nền nếp, đúng pháp luật, khắc phục lối làm việc tùy tiện theo cảm tính; tác phong công tác của cán bộ cấp xã có chuyển biến tích cực: gần dân, sâu sát dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, không quan liêu hách dịch, cửa quyền, độc đoán, giữ gìn phẩm chất người cán bộ. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã từng bước đi vào nền nếp, các xã, phường, thị trấn có phòng tiếp dân, có quy định về chế độ tiếp công dân, lịch tiếp dân của cán bộ cấp xã; qua đó đã giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.

Thực hiện QCDC cấp xã gắn với cải cách hành chính ở cơ sở: Cán bộ, công chức cấp xã lắng nghe ý kiến của dân, phương thức và lề lối làm việc của chính quyền cơ sở được thực hiện theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa. Các văn bản của cấp trên được triển khai nhanh gọn, yêu cầu của nhân dân cơ bản được đáp ứng kịp thời, không còn tình trạng trì trệ, gây khó khăn. Tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn đã niêm yết công khai các nội dung hướng dẫn thủ tục giải quyết công việc có liên quan nhiều và trực tiếp đến dân. Cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đã được triển khai thực hiện ở các xã, phường, thị trấn.

Các cấp chính quyền đã xây dựng được Quy chế tiếp dân, thông báo lịch tiếp dân hằng tuần, phân công cán bộ tiếp dân, bố trí địa điểm tiếp dân thuận lợi, từng bước chấn chỉnh và lập lại trật tự, kỷ cương ở nơi tiếp dân. Vì vậy, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân cơ bản được thực hiện kịp thời và đúng trình tự của pháp luật. Cùng với việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các văn bản hiện hành, hủy bỏ các văn bản ban hành trái pháp luật và không đúng thẩm quyền; tập trung vào các lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, tài chính và các khoản đóng góp của dân... công khai hóa các hồ sơ thủ tục hành chính, lệ phí và thời gian giải quyết công việc, lịch tiếp dân; giải quyết nhanh các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân giúp cho người dân và tổ chức đến liên hệ và giải quyết công việc thuận tiện hơn.

Ba là, thực hiện QCDC cấp xã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

MTTQ là một chủ thể đặc biệt trong thực hiện QCDC ở cấp xã. Nhận thức được vị trí, vai trò của MTTQ đối với việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, những năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương (khóa IX) về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Kết quả thực hiện pháp luật dân chủ ở cấp xã vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong tổ chức hoạt động, chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Với vai trò là thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, MTTQ các cấp đã căn cứ vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và hướng dẫn của ngành dọc cấp trên để xây dựng chương trình phối hợp với chính quyền các cấp, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện về thực hiện pháp luật dân chủ cấp xã. Phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra và giám sát việc thực hiện QCDC ở cấp xã; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. MTTQ và các đoàn thể vận động nhân dân tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; vận động xây dựng quỹ “vì người nghèo”; hỗ trợ xây, sửa nhà Đại đoàn kết. Phối hợp với chính quyền cơ sở xây dựng các bản quy ước, hương ước, kiện toàn, củng cố các Ban Thanh tra nhân dân; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ hòa giải ở cơ sở. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh kịp thời với các cấp, các ngành và cũng qua đó để đề xuất những giải pháp xử lý đối với những trường hợp lợi dụng dân chủ gây mất ổn định an ninh nông thôn.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập hợp, cổ vũ, động viên đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - chính trị ở địa phương, nhất là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với các chỉ thị, nghị quyết và văn bản lãnh đạo của Đảng về thực hiện dân chủ cơ sở, có thể nhận thấy thực hiện QCDC cơ sở ở cấp xã là một nội dung quan trọng của thực hiện pháp luật về dân chủ, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và công dân diễn ra ở cấp xã. Các quy phạm đó được thể hiện ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng được quy định và thể hiện tập trung chủ yếu tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các quy phạm pháp luật này từng bước thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, diễn ra ở cơ sở, nơi mỗi người dân đều gắn bó sinh sống, lao động và học tập, nơi họ có quyền làm chủ.

Thực tiễn đã khẳng định muốn bảo đảm thực hiện có hiệu quả QCDC ở cấp xã trước hết phải quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh; ở địa phương nào thực hiện tốt QCDC cơ sở thì địa phương đó phát huy được tiềm năng, trí tuệ, sức lực của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị vững mạnh. Ngược lại, ở nơi nào không thực hiện tốt QCDC cơ sở thì kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, trật tự an toàn xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là trong đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, xây dựng cơ bản, thực hiện chế độ chính sách, đơn thư khiếu kiện, tố cáo vượt cấp kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”... dẫn đến hệ thống chính trị cơ sở yếu kém không phát huy được vai trò của mình.

 

Nguyễn Hải Long

Các bài khác

TẠP CHÍ IN