Thứ Bảy, 4/5/2024

Bước phát triển trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc - Tiếng nói của người từng ở bên kia chiến tuyến

Đất nước ta vừa tưng bừng kỷ niệm 40 năm  Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta nhớ lại thời khắc 30/4/1975 lịch sử: Giữa lúc hầu như cả cả dân tộc xuống đường hân hoan mừng chiến thắng vĩ đại trong mấy ngàn năm lịch sử, thì có một bộ phận của dân tộc với cả triệu người có quan hệ với chế độ cũ ở miền Nam, với nhiều lý do khác nhau không đi hoặc không di tản được, đã nơm nớp sống trong lo âu sợ hãi, mường tượng tới cuộc “tắm máu” sắp xảy ra giữa Sài Gòn như bộ máy tuyên truyền chiến tranh của Mỹ đã rêu rao trước đó. Và trong lịch sử, đây là kết cục của nhiều cuộc chiến tranh thường xảy ra trên thế giới.

Nhưng thực tế đã diễn ra trái ngược hoàn toàn. Phát huy truyền thống “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” của của cha ông, chính quyền cách mạng thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, cả triệu con người lầm lỡ ấy sau khi được học tập, hầu hết đã trở thành những người tốt, được trở về với gia đình, cùng cộng đồng xây dựng cuộc sống mới ngay trong lòng dân tộc. Trong số họ nhiều người trở nên khá giả, con cháu của họ thành đạt, học hành đỗ đạt cao và được trọng dụng. Kết quả của chính sách đại nghĩa của chế độ mới làm cả thế giới khâm phục, mọi người phấn khởi, khiến những người không có thiện chí với chế độ ta cũng phải công nhận.

 Thực tế có hậu ấy đã thôi thúc nhiều người đi tìm lý giải, truy tìm tận gốc căn nguyên. Để tìm ra câu trả lời khách quan cho vấn đề quan trọng này, một trong những cách tiếp cận tốt nhất là tìm gặp những người trong cuộc, để họ có thể nói ra những cảm nhận thật, sau những năm tháng trải nghiệm trong chế độ mới. Từ ý tưởng ấy, trong quá trình công tác, năm 2013, tôi cùng một số đồng chí đã có dịp tiếp xúc và trao đổi thẳng thắn với một số sĩ quan cao cấp trong chế độ cũ; trong đó có ông Nguyễn Hữu Có, Trung tướng, Tổng trưởng Quốc phòng thời Ngô Đình Diệm. Lúc gặp chúng tôi, ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của một phường thuộc quận Phú Nhuận. Qua trao đổi, ông đã nói nhiều về chế độ mới, trong đó chúng tôi nhớ rất rõ về một nhận xét của ông: “Lúc đương nhiệm, tôi đã nghĩ rằng, chế độ Sài Gòn sẽ sụp đổ, chúng tôi sẽ thất bại, vì người lính Việt Nam Cộng hòa chiến đấu không có lý tưởng, họ chiến đấu chỉ vì tiền”… 

Khi câu chuyện đến hồi kết, ông Nguyễn Hữu Có đã đưa cho chúng tôi một bài viết mà ông đã trình bày trong cuộc hội thảo mà ông đã được mời, nhân dịp 71 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Ông nói quãng đời đã qua của ông được cô đọng trong đó, cho phép tôi xin được lược thuật:

“Năm 18 tuổi (1943) do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ, tôi đã tình nguyện gia nhập quân đội Pháp. Chẳng bao lâu, ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật lật đổ Pháp, tôi phải về quê sinh sống. Ngày 23 tháng 9 năm ấy, tôi ra đi tham gia kháng chiến ở tỉnh Vĩnh Long. Năm 1946, Pháp trở lại chiếm Vĩnh Long, tôi mất liên lạc với đơn vị, đó là bước ngoặt đưa tôi ra thành như nhiều bạn khác. Tôi gặp lại các bạn cũ trong quân đội Pháp rồi đi một đoạn đường dài, suốt mấy mươi năm. Tôi được lựa chọn vào học Trường sỹ quan Huế. Năm 1949, tôi ra trường và cuộc binh nghiệp của tôi cũng có thêm những bước mới.

Tình hình chiến sự trong 2 năm 1953-1954 hết sức quyết liệt ở miền Bắc. Pháp càng đánh càng suy yếu. Cuối cùng cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ. Pháp đầu hàng ngày 7 tháng 5 năm 1954...

Từ sau ngày đất nước thật sự độc lập và thống nhất đã có rất nhiều chuyển biến, không phải chỉ ở một mặt mà ở nhiều mặt, không phải ở một phía mà ở nhiều phía. Tôi ra đường, ra phố bây giờ ai cũng gọi tôi là anh, là bác… Phải chăng đó là kết quả của những biến chuyển tích cực của xóm phường, của chế độ và của chính tôi. Tôi đã chọn ở lại với quê hương, với dân tộc và tôi cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc này nhiều anh em ở nước ngoài không thấy được, nhưng ai cũng cảm nhận và thẳng thắn nói ra với tôi. Phải chăng là nhờ những chuyển biến rất tốt, rất tích cực, vừa của đất nước, vừa của con người Việt Nam ở trong cũng như ở ngoài nước.

Để mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khối đại đoàn kết toàn dân trong thời gian tới, tôi xin Chính phủ mời gia nhập vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

- Những người thuộc chế độ cũ đang sinh sống tại Việt Nam, có đóng góp cho địa phương, với đất nước, có đủ phẩm chất được nhân dân tín nhiệm.

- Những người thuộc chế độ cũ đang sinh sống ở nước ngoài có tinh thần yêu Tổ quốc, tình nguyện về nước tham dự các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng đất nước. Các người này phải được đại diện kiều bào ta ở nước ngoài tiến cử.

Cuối cùng, tôi chân thành có một đề nghị nữa: Chế độ chính trị nước nhà nay đã “là một” thì các chế độ còn lại về các mặt đời sống như cư trú, đi lại, làm ăn, sinh sống hay kinh doanh buôn bán… cũng dần dần có sự hợp nhất “làm một” để không còn ai giữ mãi một mặc cảm ngăn cách nào nữa. Được vậy thì chính sách đại đoàn kết của chúng ta sẽ có thêm một bước phát triển mới, với những động lực mới, thúc đẩy toàn dân ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu…”.

Chúng tôi tin những điều tâm sự trên, nhất là những cảm nhận của ông Nguyễn Hữu Có về chế độ mới là chân thành và đáng trân trọng. Ông đã bỏ lại đằng sau tất cả, không mặc cảm về bản thân, mạnh dạn nói nên những tâm cảm nghĩ thật của đời mình. Rất tiếc là ông đã ra đi, nên không thấy hết đổi thay của quê hương, đất nước sau 40  năm thống nhất. Những nguyện vọng của ông, nhân dịp 71 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay hầu hết đã trở thành hiện thực. Hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, hễ ai có điều kiện đều đóng góp dựng xây quê hương. Có những người có quan hệ với chế độ cũ ở trong nước, được nhân dân tín nhiệm và những kiều bào tiêu biểu, được cộng đồng người Việt ở nước ngoài suy tôn đã trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương. Những người có quan hệ với chế độ cũ ở nước ngoài đã lần lượt trở về quê hương, có người về thăm, có người ở lại sinh sống, đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương, bản quán. Trong đó có cựu Phó Tổng thống chế độ cũ Nguyễn Cao Kỳ, ông đã về và có những tiếng nói và hành động có trách nhiệm với đất nước. Có những người lính từng ở bên kia chiến tuyến về nước, đã vượt biển ra tận Trường Sa. Họ đã bật khóc cho sự hy sinh to lớn của những chiến sỹ đã ngã xuống và đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo  thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu trước bao cơn sóng dữ và kẻ thù ngày đêm rình rập. Tình cảm thiêng liêng đó của họ, thật khó diễn tả hết bằng lời!

Đất nước đã thống nhất 40 năm. Nỗi đau chiến tranh đã qua. Quá khứ với những khác biệt đã khép lại. Lịch sử đã bước sang trang mới. Đến nay, nếu một ai đó từng ở bên kia chiến tuyến, còn mặc cảm với quá khứ của mình hoặc còn mang lòng thù hận, xin hãy một lần suy nghĩ lại. Bởi những gì mà những người cùng hoàn cảnh với mình đã thể hiện ở trên, bởi những đổi thay to lớn trên quê hương, đất nước và bởi chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc ngời sáng của đất nước hôm nay. Đất mẹ Việt Nam luôn dang rộng cánh tay để đón những đứa con, dù ở phương trời nào, kể cả những đứa con đã lâu còn nằm ngoài vòng tay của mẹ.

Lê Duy Thống

Các bài khác

TẠP CHÍ IN