Thứ Bảy, 4/5/2024

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người cộng sản trung kiên mẫu mực, tấm gương sáng về công tác dân vận của Đảng

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên thật là Hạ Bá Cang, sinh tại Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá I, II, III, IV; Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng (8/1945); Uỷ viên Bộ Chính trị khoá II; Đại biểu Quốc hội khoá V, VI, VII, VIII.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn sâu sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Tất cả những người đã từng cộng tác hoặc tiếp xúc với đồng chí Hoàng Quốc Việt đều có chung ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của một đảng viên kiên trung, bất khuất, liêm khiết, có tác phong bình dị, cởi mở và chân thành, đặc biệt quan tâm đến công nhân, người lao động; một đồng chí lãnh đạo có tính nguyên tắc cao, sắc sảo, linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng, được đồng chí, đồng bào kính trọng, tin tưởng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia các phong trào cách mạng từ năm 1925, cùng hoạt động với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Năm 1925, từ khi còn là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng, đồng chí đã tham gia bãi khóa, biểu tình để phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình  nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, đồng chí lên mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội rồi xuống Mạo Khê (Quảng Ninh) làm thợ mỏ, rồi về Hải Phòng làm thợ nguội ở nhà máy cơ khí Carông. Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ngay từ những ngày đầu, hoạt động sôi nổi trong phong trào công nhân, thanh niên. Năm 1929 bị đuổi khỏi nhà máy Carông, Đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, và khi thành lập An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí được cử đi dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Hải Phòng, đồng chí bị địch bắt, bị kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo. Tuy không có mặt ở hội nghị nói trên, đồng chí vẫn được cử vào Ban Chấp hành lâm thời của Đảng. Năm 1936, khi được trả tự do, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng khác ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, được Đảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Đảng. Những năm trong lao tù của thực dân Pháp từ Hải Phòng, Hà Nội, đến Côn Đảo, chịu đựng bao trận đòn tra tấn, dã man, tàn khốc, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đồng chí còn xây dựng được tổ chức cách mạng trong nhà tù, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng. Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị toàn quốc tháng 8/1945, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách công tác dân vận và cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; sau đó được Trung ương cử vào Nam Bộ giúp Xứ ủy củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng; xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, được phân công trực tiếp phụ trách Dân vận - Mặt trận và làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

 Là một trong những học trò trung thành, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc và tầm quan trọng của công tác dân vận. Thời kỳ 1946 - 1950, Trung ương Đảng thành lập Bộ Dân vận (Ban Dân vận Trung ương), với cương vị Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Đồng chí Hoàng Quốc Việt là người trực tiếp tham mưu, đề xuất xây dựng nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận. Ngày 1/9/1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về Công tác Dân vận. Chỉ thị xác định đây là một công tác quan trọng của Đảng trong tình hình địch dùng nhiều thủ đoạn xảo trá lừa bịp, mị dân, chia rẽ dân với Đảng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng có chủ trương vận động các giới, tổ chức các đoàn thể, chấn chỉnh Ban Dân vận ở các cấp, cách tổ chức tiểu ban vận động các giới làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp định lập chính phủ bù nhìn, dùng “người Việt đánh người Việt”. Thường vụ Trung ương Đảng vạch rõ: “Muốn tự do, độc lập, phải kháng chiến, kiên quyết kháng chiến. Vấn đề chủ chốt là đoàn kết toàn dân, đoàn kết một cách rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa với các giới. Mục đích thiết thực của dân vận là làm cho toàn dân đoàn kết, tham gia kháng chiến, ủng hộ chính phủ, ủng hộ bộ đội. Nhiệm vụ công tác dân vận là nắm vững phong trào quần chúng, củng cố và phát triển cơ sở quần chúng...”.

Với tầm quan trọng của công tác dân vận và công tác Mặt trận trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ năm (từ ngày 8 đến 16/8/1948), đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác Dân vận và công tác Mặt trận Dân tộc thống nhất. Tại Hội nghị cán bộ dân vận Trung ương lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 10 đến 15/2/1949 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đến dự và phát biểu với Hội nghị. Báo cáo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đề cập đến tình hình và nhiệm vụ công tác dân vận và thực hiện chủ trương: Tích cực chấn chỉnh công tác dân vận của Đảng; thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, đề xuất chính sách và phương châm vận động quần chúng (công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, trí thức, tư sản, địa chủ, tôn giáo, dân tộc thiểu số, Hoa kiều, công tác dân vận trong vùng tạm chiếm); về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là chính sách, chế độ đối với giai cấp công nhân (công nhân mỏ, công nhân cơ khí…) và người lao động; đồng thời, là người chỉ đạo việc thực hiện những chủ trương, chính sách đó với tinh thần trách nhiệm cao vì lợi ích của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động.

Đồng chí quan niệm rằng: “Đối với Đảng ta, đại đoàn kết dân tộc không phải là sách lược, mà là một chiến lược cách mạng, một đường lối cơ bản, lâu dài, trước sau như một”(1)#. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ rõ: “Ra sức tuyên truyền, tổ chức quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, cũng tức là ra sức phấn đấu thực hiện nguyện vọng của quần chúng, thiết thực đem lại quyền lợi cho quần chúng. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng càng được thực hiện tốt bao nhiêu thì quần chúng càng yêu Đảng, tin Đảng bấy nhiêu”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận, phân tích, lý giải rõ mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng. Đồng chí luôn trăn trở và dành nhiều tâm huyết đối với việc xây dựng tổ chức Dân vận - Mặt trận, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh. Đồng chí khẳng định: Mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân là mối liên hệ sinh động và phát triển qua công tác thực tế hằng ngày và thái độ đối với quần chúng của mỗi người đảng viên và cán bộ của Đảng. Cho nên, liên hệ với quần chúng cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và khả năng công tác của một cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên tốt phải là người có liên hệ chặt chẽ với quần chúng và biết làm tốt công tác vận động quần chúng trong bất cứ hoàn cảnh, khó khăn nào. Đồng chí luôn luôn khuyên bảo cán bộ đảng viên phải thực hiện lời dạy của Bác Hồ về thực hành phong cách quần chúng: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm’’ và “phải thật thà nhúng tay vào việc”; cán bộ đi trước, làng nước theo sau; sâu sát địa phương, cơ sở; bám địa bàn, sát đối tượng. Trong công tác vận động quần chúng, đồng chí đặc biệt quan tâm đến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, tín đồ các tôn giáo.

 Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giữ cương vị Bí thư Tổng Bộ Việt Minh, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trưởng Ban Công vận (1941), Trưởng Ban Dân vận (Bộ Dân vận 1946- 1950), có nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác dân vận của Đảng và công tác Mặt trận; làm Chủ tịch Tổng Công đoàn; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn nêu cao tác phong quần chúng, hội tụ những phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng trung kiên, mẫu mực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, thực sự tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

1 Hoàng Quốc Việt: “Tổ chức cơ sở của Đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên”, NXB Sự thật, năm 1968.

TS. Nguyễn Văn Hùng
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

TẠP CHÍ IN