Thứ Bảy, 4/5/2024

Phú Yên: Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI)

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt là Quyết định 217, 218). Đây là cơ sở quan trọng để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính nhân dân, tính khoa học và thực tiễn; tăng cường đồng thuận trong xã hội và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Từ nhận thức đó, sau khi có văn bản Hướng dẫn số 30-HD/BDVTW, ngày 10/02/2014 của Ban Dân vận Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 10/03/2014 về triển khai thực hiện Quyết định 217, 218; tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện hai Quyết định trong toàn thể cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn số 18-HD/BDVTU, ngày 15/4/2014 về thực hiện Quyết định 217, 218. Các huyện, thị, thành ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai hai quyết định đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã; các ban cán sự đảng và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức quán triệt triển khai thực hiện.

Qua 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, linh hoạt trong công tác tham mưu, chỉ đạo; xây dựng chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh với các ban, ngành liên quan. Đồng thời, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện xã hội, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh và hướng đến những vấn đề mà đông đảo Nhân dân quan tâm như: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tổng rà soát thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; hoạt động kinh doanh phân bón, việc thực hiện về áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động; góp ý các dự án luật… Qua đó đã có những nhận xét, đánh giá, kiến nghị xác đáng; kịp thời điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ dừng lại ở chức năng giám sát mà chưa có phản biện. Dù được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng thực tế cho thấy cách thức, cơ chế ràng buộc của giám sát vẫn chưa thực sự cụ thể; chưa có quy định cụ thể về phản biện xã hội.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Quyết định 217, 218 trên địa bàn tỉnh Phú Yên cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung nghiên cứu nắm vững những nội dung của Quyết định 217, 218; văn bản hướng dẫn của Trung ương, các văn bản của Tỉnh ủy; của Ban Dân vận Tỉnh ủy; đẩy mạnh công tác phổ biến quán triệt nội dung về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội” và  “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân biết, thực hiện.

Hai là, việc giám sát và phản biện xã hội phải gắn với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của các đoàn thể chính trị - xã hội; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan của chính quyền có liên quan.

Ba là, hàng năm, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội trình cấp ủy cùng cấp và thống nhất với cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; có kế hoạch đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ cán bộ chuyên môn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát như: giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ, việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát đầu tư cộng đồng, công tác đền bù giải tỏa, tái định cư của các công trình dự án, việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các doanh nghiệp…

Năm là, đối với việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cần chú trọng tổ chức đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đối với những vấn đề nhân dân quan tâm về xây dựng Đảng, chính quyền; góp ý vào dự thảo các nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng phát huy dân chủ để nhân dân tham gia góp ý kiến vào vào các quy hoạch, kế hoạch... Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức góp ý, tổng hợp ý kiến góp ý, theo dõi và thông báo kết quả tiếp thu góp ý của cơ quan nhà nước tới tổ chức, cá nhân góp ý. Hàng năm, chính quyền các cấp báo cáo kết quả tiếp thu góp ý với cấp ủy cùng cấp, chính quyền cấp trên trực tiếp, đồng thời gửi cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để theo dõi, giám sát.

Nguyễn Thị Oanh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN