Thứ Bảy, 4/5/2024

Đà Nẵng: Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, tạo đồng thuận trong xây dựng và phát triển thành phố

Một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua là việc triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố trong tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân để lắng nghe dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị bức xúc của nhân dân.

Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân đã được lãnh đạo các cấp của thành phố thực hiện thường xuyên trong những năm qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo được sự đồng thuận của gần 100 ngàn hộ dân nằm trong các vùng giải tỏa. Thành phố Đà Nẵng luôn tự hào trong những “cái được” của thành phố thì “cái được” lớn nhất là “được lòng dân”. Một khối lượng lớn các kiến nghị bức xúc của nhân dân đã được lãnh đạo thành phố tháo gỡ, giải quyết, tạo nên sự đồng thuận và hưởng ứng to lớn trong nhân dân các vùng có dự án, qua đây đã hình thành nên “thế hệ cán bộ Đà Nẵng dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm; không sợ khó khăn, không né tránh, không ngại va chạm; biết dấn thân vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân”.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa bàn đã nảy sinh, tồn tại những vấn đề nổi cộm, thậm chí có những vụ việc người dân thể hiện sự bất bình và phản ứng. Một số chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa thật tốt đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của dân.

Trước thực tế đó, lãnh đạo thành phố đã có nhiều giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành để kịp thời giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong mối quan hệ Đảng - Dân, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 28/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị  (khóa XI) “Về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”;  Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”…

Đặc biệt, Thành ủy Đà Nẵng đã có những giải pháp chỉ đạo cụ thể hóa mang tính sáng tạo các chủ trương về giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW về “Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”… Đây là các chủ trương đúng đắn của Đảng góp phần thực hiện dân chủ hóa xã hội mà Văn kiện Đại hội X của Đảng đã từng khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới… Mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”. Đồng thời, là phương thức để mở rộng dân chủ, phát huy quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao nâng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, chính quyền các cấp; không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Để quán triệt, cụ thể hóa các Quyết định này, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời quán triệt, triển khai và ban hành nhiều chủ trương phù hợp với tình hình của thành phố, trong đó đã ban hành Quyết định số 11660-QĐ/TU, ngày 29/9/2014 về “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân”. Qua đây, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan tổ chức nghiêm túc, có chất lượng việc tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân theo Quy chế.

Đi đầu trong thực hiện Quy chế đối thoại trên, mới đây, ngày 20/3/2015, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp đối thoại với 110 hộ dân sống tại khu vực chợ Cồn (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) về phương án giải tỏa khu vực này để xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ. Với thái độ mềm dẻo, kiên trì thuyết phục trước những ý kiến của các hộ dân, đã đem đến một kết quả tốt đẹp, đã có 100% hộ dân tham dự đồng ý với chủ trương của thành phố…

Tuy nhiên, một số nơi trên địa bàn thành phố, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, Quyết định số 11660-QĐ/TU triển khai chưa tốt, chưa áp dụng thực hiện một cách rộng khắp; các hoạt động tiếp xúc đối thoại có nơi còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ nội dung trong Quy chế của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra.

Hy vọng rằng từ những bài học kinh nghiệm quý báu đã được thành phố đúc kết trong nhiều năm qua về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, bài học về mối quan hệ gắn bó “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”… kết hợp với những chủ trương đúng đắn của Trung ương, của thành phố Đà Nẵng vừa mới được ban hành sẽ là cơ hội, động lực mới để công tác đối thoại với nhân dân đi vào nền nếp. Đây là một trong những phương pháp lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong giai đoạn mới, trên quan điểm dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố, tất cả vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, qua đây góp phần xây dựng, phát triển mạnh mẽ và hướng đến một Đà Nẵng - thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, nhân văn, hấp dẫn và sống tốt.

Nguyễn Thị Kim Tuyến

Các bài khác

TẠP CHÍ IN