Thứ Bảy, 4/5/2024

Một số kinh nghiệm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động và công tác dân vận trong các khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như đề ra những cơ chế chính sách để đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trong đó có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư. Do vậy, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2014, thu hút mới vốn đầu tư FDI tăng 2 lần so với 2013. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch, trong đó có 07 KCN được thành lập, cấp giấy chứng nhận, 04 KCN và 59 dự án đã hoạt động thu hút trên 10,6 ngàn công nhân lao động (CNLĐ), trong đó lao động nữ gần 5,3 ngàn.

Luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, tỉnh đã chú trọng thực hiện về triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về: “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 1129-QĐ/TTg, ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”... Trong đó, đề ra các giải pháp về đẩy mạnh và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ như: quy định phát triển KCN phải đi liền với phát triển khu đô thị mới và các công trình phúc lợi công cộng, trong đó có khu nhà ở cho CNLĐ; các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất; chính sách tôn vinh thích đáng những người lao động giỏi; bổ sung chính sách về thi đua và khen thưởng trong các DN; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong các DN; quan tâm công tác xây dựng tổ chức đoàn thể, phát triển đảng viên trong các DN ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về phát triển đảng viên mới là đoàn viên công đoàn, CNLĐ trong các DN ngoài nhà nước. Tính đến 31/12/2013, toàn tỉnh có 72 tổ chức cơ sở (TCCS) đảng (37 đảng bộ, 35 chi bộ cơ sở); 308 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trong DN ngoài khu vực nhà nước tăng 41 chi bộ trực thuộc với 4.163 đảng viên. Trong đó 4.024 đảng viên trong DN có 100% vốn trong nước, 96 đảng viên trong DN có vốn đầu tư nước ngoài. Có 90 chủ DN là đảng viên; 556 cấp ủy viên thuộc các tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước, trong đó 71 bí thư cấp ủy là giám đốc, chủ DN.

Nhìn chung đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chu đáo. Các đơn vị đã quan tâm hỗ trợ lương nhân ngày lễ, Tết; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ, điều dưỡng, dưỡng sức; quan tâm tổ chức thăm quan, nghỉ mát cho CNLĐ với điều kiện kinh phí phù hợp; áp dụng nhiều chế độ ưu đãi cho lao động nặng nhọc, độc hại; không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại, nghỉ ngơi cho CNLĐ.

Phần lớn CNLĐ trong các KCN, các DN ngoài khu vực nhà nước có chỗ ở cố định. Trong hơn 10 nghìn lao động ở các khu công nghiệp đã có 2.689 người (chiếm 25,3%) ở khu chung cư, khu tập thể; 5.160 người (chiếm 48,5%) ở nhà riêng và 2.778 người (chiếm 26,2%) ở nhà trọ. Từ năm 2011, ngành than triển khai xây dựng khu chung cư cao cấp cho công nhân, lấn biển cấp đất cho các gia đình thợ mỏ... Đến nay, 100% CNLĐ trong ngành có nhà ở, không phải đi thuê nhà ở như trước đây.

Việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao được các DN cổ phần, cổ phần nhà nước, đặc biệt là các DN ngành than quan tâm. Đến nay, 100% các đơn vị đều có sân cầu lông, bóng đá mi ni, bóng chuyền; xây dựng nhà văn hóa, thư viện, phòng truyền thống, nhà thi đấu, rèn luyện thể chất khang trang, đầu tư trang thiết bị, các phương tiện hoạt động cho các nhà sinh hoạt văn hóa công nhân. Ngoài ra, CNLĐ được khám sức khỏe định kỳ; đối tượng thợ lò và lao động nặng nhọc, độc hại khác, lao động nữ được khám 2 lần/năm. Mỗi năm tổ chức rửa phổi cho 100 công nhân, điều dưỡng 7 ngàn lượt người, chi từ nguồn phúc lợi của Tập đoàn khoảng 20 tỷ/năm.

Mức thu nhập trung bình của CNLĐ trong ngành than đạt trên 8 triệu đồng/tháng, các DN ngoài khu vực nhà nước mức thu nhập từ  3,5 đến 10 triệu/tháng. Tuy nhiên trong những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thu nhập của người lao động ở nhiều DN không ổn định; một số DN ngoài quốc doanh còn tồn nợ BHXH kéo dài. Tình trạng thiếu việc làm, ngừng việc, nghỉ việc, hiện tượng lãn công ở DN có vốn đầu tư nước ngoài còn diễn ra.

Do làm tốt công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động nên trong thời gian qua, tình hình CNLĐ tham gia lãn công, biểu tình trong các DN của tỉnh Quảng Ninh rất ít xảy ra. Trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, khối nội chính của các địa phương đã kịp thời nắm chắc số lượng người Trung Quốc làm việc trong từng DN, xây dựng các phương án giải quyết khi có vấn đề phát sinh nên mặc dù là tỉnh biên giới, có nhiều doanh nghiệp do người Trung Quốc, Đài Loan làm chủ song không có các diễn biến bất thường.

Bên cạnh những kết quả trên, việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các DN, nhất là các DN ngoài khu vực nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Đối với một số KCN trên địa bàn tỉnh được quy hoạch trước khi triển khai Quyết định 1780/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không quy hoạch dành quỹ đất để triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cho CNLĐ. Việc xây dựng, phát triển mô hình tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân trong DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu; số tổ chức đảng còn ít, tỷ lệ đảng viên so với tổng số CNLĐ còn thấp (chiếm 3,22%). Nếu so sánh với tổng số DN đăng ký kinh doanh (7.563 DN) thì Công đoàn chiếm 9 %; Đoàn Thanh niên mới chiếm 1,8 %; nếu so sánh với số DN đã tham gia bảo hiểm (1.560 DN) thì Công đoàn chiếm 43,3%, Đoàn Thanh niên mới chiếm 8,6%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các DN, trong đó, ngoài những nguyên nhân xuất phát từ DN, còn có một số nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp. CNLĐ trong nhiều DN thu nhập còn thấp, chưa hiểu hết quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và những quy định của pháp luật, không có đòi hỏi hoặc yêu cầu DN thực hiện chế độ, chính sách với CNLĐ đầy đủ. Môi trường, điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN không thuận lợi cho công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên và hội viên. Một số nơi, số đảng viên, đoàn viên, hội viên ít nhưng làm việc theo ca nên tổ chức sinh hoạt đảng, hoạt động đoàn thể không đều, khó khăn cho công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng.

Công tác xây dựng đời sống văn hoá của CNLĐ và công tác dân vận ở các KCN trên địa bàn tỉnh cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các đoàn thể, trong đó vai trò của Công đoàn là hết sức quan trọng. Từ thực tiễn hoạt động của tỉnh Quảng Ninh, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Quan tâm công tác xây dựng, phát triển mô hình tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể nhân dân trong DN ngoài khu vực nhà nước. Trong đó cần quan tâm xây dựng mô hình tổ phát triển đảng viên, gắn công tác phát triển đảng viên với yêu cầu xây dựng, phát triển, củng cố TCCS đảng, đội ngũ đảng viên, các đoàn thể nhân dân và xây dựng giai cấp công nhân trong các DN.

Đối với các DN chưa có tổ chức đảng: các huyện, thị, thành ủy phân công cấp ủy viên và lãnh đạo các ban, ngành có liên quan trực tiếp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng ở các DN này. Tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân, nhất là Công đoàn và Đoàn Thanh niên để tạo nguồn kết nạp đảng viên tại chỗ.

Đối với những DN chưa có đảng viên (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài): cấp ủy cấp trên nơi DN đóng trụ sở chính phân công các ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm, phối hợp với các đoàn thể trong DN thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên; khi có đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng.

Đối với các dự án liên doanh với nước ngoài: trong quá trình chuẩn bị dự án, các cơ quan có thẩm quyền chủ động phân công cán bộ, cấp ủy viên, đảng viên tham gia liên doanh, xúc tiến thành lập tổ chức đảng khi DN đi vào hoạt động.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho CNLĐ trong các DN. Các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể và các cơ quan chuyên môn tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ DN về chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ. Tích cực tuyên truyền, vận động để chủ DN nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt, động viên, biểu dương các DN làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng các đoàn thể, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; biểu dương, khen thưởng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức đoàn thể nhân dân vững mạnh xuất sắc.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về thực hiện QCDC trong các DN, chế độ chính sách cho CNLĐ… Các cấp ủy, BCH các đoàn thể các cấp phải quan tâm chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong DN. Các đoàn thể tỉnh (Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ) phân công cán bộ theo dõi công tác phát triển tổ chức đoàn, hội trong DN ngoài khu vực nhà nước…

5. Các sở, ngành, các cơ quan có liên quan, Liên minh HTX tích cực nghiên cứu và tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND về các cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho DN phát triển như: khuyến khích đầu tư; công tác quy hoạch, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực…

Nguyễn Thị Thu Hà

Các bài khác

TẠP CHÍ IN