Thứ Bảy, 12/10/2024
Quảng Ninh thực hiện tốt Quy chế dân chủ tại nơi làm việc
 
28 doanh nghiệp ngành Du lịch - dịch vụ trên địa bàn TP Hạ Long tham gia ký kết
thỏa ước lao động tập thể nhóm
 


Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Quy chế dân chủ là thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Bản thỏa ước này chính là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động và cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động (NLĐ). Vì vậy, LĐLĐ tỉnh đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện việc xây dựng, thương lượng, ký kết thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp, đơn vị.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có có 45 doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT lần đầu, 22,8% bản TƯLĐTT đã ký kết đạt loại A. Đáng chú ý, LĐLĐ tỉnh đã triển khai sơ kết 1 năm thực hiện TƯLĐTT nhóm 20 doanh nghiệp ngành Du lịch - dịch vụ trên địa bàn TP Hạ Long; thương lượng, vận động thêm được 8 doanh nghiệp tham gia vào thỏa ước nhóm, nâng tổng số lên thành 28 doanh nghiệp tham gia. Qua đó, tạo mặt sàn ưu đãi chung, góp phần hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, góp phần ổn định chính sách doanh nghiệp, NLĐ yên tâm làm việc, giảm dần luân chuyển lao động và thúc đẩy quan hệ lao động ổn định.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hoạt, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh), chất lượng các bản TƯLĐTT đã được nâng lên, từng bước hạn chế việc sao chép lại các quy định của pháp luật. Các bản TƯLĐTT tập trung vào một số nội dung đem lại lợi ích cho NLĐ như: Áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn quy định của pháp luật, lương tháng thứ 13, các khoản tiền thưởng, hỗ trợ tiền tàu xe cho NLĐ nghỉ phép năm, nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ...

Cùng với thực hiện TƯLĐTT thì việc tổ chức Hội nghị NLĐ cũng là nội dung được các cấp công đoàn tích cực phối hợp thực hiện. Tính đến đầu tháng 6, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 75,5% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ.

Với sự tham gia của các cấp công đoàn, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công khai các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của NLĐ, như: Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, TƯLĐTT... Đồng thời, hoạt động đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đã được các cấp công đoàn quan tâm đề xuất với chuyên môn thực hiện. Các cấp công đoàn đã chủ động đề xuất, phối hợp tổ chức 58 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động với gần 3.500 NLĐ.

Một số doanh nghiệp đã thành lập nhóm biên soạn Quy chế đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất theo quy định tại doanh nghiệp. Định kỳ, Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp, trả lời chất vấn và giải đáp kiến nghị của NLĐ, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Thông qua đối thoại, quyền dân chủ của đoàn viên và NLĐ được phát huy; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho NLĐ...

Kết quả nổi bật trong thực hiện Quy chế dân chủ là công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc sẽ có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ. Đáng ghi nhận là với số lượng doanh nghiệp lớn, song hầu hết người sử dụng lao động đều nhận thức và hiểu rõ được trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã góp phần chăm lo tốt đời sống cho NLĐ, chất lượng các hội nghị công nhân viên chức và NLĐ, các cuộc đối thoại với NLĐ được cải thiện rõ rệt. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa các tranh chấp lao động tập thể xảy ra.

(baoquangninh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi