Thứ Hai, 11/11/2024
Thái Bình: Khơi nguồn sức mạnh từ phát huy dân chủ
 
Người dân xã Thụy Liên (Thái Thụy) tự nguyện tháo dỡ các công trình, hiến đất mở rộng đường giao thông. 

 

Người dân là trung tâm, là chủ thể

Thôn Ngọc Chi có địa bàn rộng của xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) nên khi triển khai thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, toàn thôn phải tiến hành lắp đặt 22 tuyến đường điện chiếu sáng dài 6km với trên 150 điểm bóng. Tổng kinh phí cần huy động trên 150 triệu đồng. 

Đồng chí Lưu Đình Hiền, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Sau khi họp bàn, Chi bộ thống nhất chủ trương phát huy nội lực, huy động nhân dân đóng góp để xây dựng hệ thống đường điện chiếu sáng trên địa bàn. Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn đến từng khu dân cư trên từng tuyến đường để họp bàn, thảo luận phương án triển khai. Mọi vấn đề liên quan đến mức đóng góp ban đầu, tiền điện hàng tháng, quản lý đường điện... đều do người dân tự bàn bạc, thống nhất và hầu hết mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình. 

Ông Phạm Văn Hùng, thôn Ngọc Chi chia sẻ: Việc lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng phục vụ lợi ích của chính người dân nên chúng tôi thấy mình có trách nhiệm trong việc tham gia đóng góp kinh phí lắp đặt ban đầu cũng như tiền điện hàng tháng. Tất cả mọi khoản thu chi đều được công khai, minh bạch rõ ràng nên chúng tôi rất yên tâm. 

Theo đồng chí Vũ Hồng Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy xã: Nhờ sự ủng hộ của người dân nên chỉ trong thời gian ngắn, địa phương đã hoàn thành 17,1km đường điện (đạt 100% kế hoạch) với 447 điểm bóng gồm bóng đèn led công suất lớn và bóng sử dụng năng lượng mặt trời. Ngoài huy động nguồn lực trong nhân dân, địa phương còn hỗ trợ mỗi điểm bóng 200 nghìn đồng; hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn 300 nghìn đồng để đóng góp. Cũng trong thời gian qua, địa phương đã triển khai xây dựng nhiều công trình thiết chế văn hóa; hệ thống đường giao thông nội đồng; hệ thống kênh mương thoát nước trong khu dân cư; nhà thi đấu đa năng của Trường Tiểu học và THCS… với tổng vốn huy động khoảng 23 tỷ đồng. Ngoài kinh phí từ ngân sách địa phương, nhân dân địa phương ủng hộ rất nhiều cả về tiền mặt, ngày công, hiến đất và công trình góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa (Hưng Hà) cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã luôn coi trọng việc phát huy dân chủ, xem đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân đều được chúng tôi công khai theo đúng quy định. Khi người dân đã được biết, được bàn, được tham gia ý kiến thì lúc triển khai thực hiện hầu hết mọi người đều đồng thuận. Vừa qua, địa phương triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” với phương châm “3 luôn”, “5 biết”, “5 không” góp phần tạo sự gắn kết, gần gũi với nhân dân, chuyển từ chính quyền quản lý hành chính sang phục vụ. Chính sự đồng thuận của người dân đã góp phần quan trọng giúp địa phương triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ khó như giải phóng mặt bằng phục vụ việc thi công mở rộng, nâng cấp các tuyến đường ĐT.40, ĐT.452, ĐH.62... đoạn qua địa bàn xã với tổng chiều dài gần 7km liên quan đến đất của hàng trăm hộ dân. Trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, người dân đều đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền qua đó góp phần quan trọng giúp địa phương sớm về đích NTM nâng cao vào năm 2022 và đang phấn đấu sớm về đích NTM kiểu mẫu.

Nhân lên sức mạnh tổng hợp

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng phát huy tốt dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc công khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến người dân như: các dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc quản lý, điều hành, thu chi tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, các khoản huy động nhân dân đóng góp, các khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án, chính sách an sinh xã hội, chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo... Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, HĐND để nhân dân, đại biểu dân cử giám sát việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý; lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm cấp ủy và theo định kỳ, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” dù mới được triển khai thực hiện thí điểm ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh song đã tạo chuyển biến tích cực trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định đối với những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Các xã, phường, thị trấn cũng đã tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp giám sát hoặc giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 260 ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng với 2.149 thành viên thường xuyên nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phát hiện và kiến nghị giải quyết những vấn đề có dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2023, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tham gia giám sát 710 vụ việc, kiến nghị 206 vụ việc, xác minh 96 vụ việc. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc. Năm 2023, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 346 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; lắng nghe, tiếp thu, giải trình các vấn đề mà nhân dân quan tâm, xem xét giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền; từ đó nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Nhờ phát huy tốt dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt trong xây dựng NTM. Người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện hiến đất, hiến công, hiến của với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong các năm 2021 - 2023, từ sự ủng hộ của người dân và các nguồn lực khác, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp: 23,11km đường trục xã; 16,84km đường trục thôn; 17,71km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 99,855km đường giao thông trục chính nội đồng; 81,1km kênh cấp 1 loại 3; 545 phòng học, hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; 22 nhà văn hóa xã, 16 sân thể thao xã, 32 nhà văn hóa thôn, 21 sân thể thao thôn; 12 nghĩa trang; 13 chợ nông thôn; 5 phòng chức năng của trạm y tế... Thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, đến nay toàn tỉnh có 130 xã đã đăng ký thực hiện lắp đặt 1.145,719km; trong đó: 42 xã đã thực hiện lắp đặt 101,397km đèn điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, 88 xã đăng ký lắp đặt đèn điện chiếu sáng bằng điện lưới với tổng chiều dài là 554,217km.

Cũng nhờ sự đồng thuận của người dân thời gian qua đã góp phần giúp tỉnh vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đời sống của người dân vì vậy không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đây cũng là “thành quả” người dân được thụ hưởng nhờ phát huy dân chủ mang lại.

(baothaibinh.com.vn) 

Gửi cho bạn bè