Thứ Sáu, 13/9/2024
Chữ Tình còn mãi với thời gian

 

Anh không là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng đã có một số bài viết cho một số báo, tạp chí mang tính phát hiện những vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn đất nước đang mạnh bước trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, gây được sự chú ý của bạn đọc. Anh làm thơ “tay trái”, nhưng đã có hai tập thơ “trình làng” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, gây bất ngờ cho lớp người cùng thời công tác với anh. Tôi vinh hạnh nhận được tập thơ thứ hai mang cái tên bình dị “Em chưa về với biển” của Nguyễn Thế Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, vừa ra mắt trong ngày thu tháng 9 này.

56 bài trong tập, thì có gần nửa số bài đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến biển. Phải chăng, mối tình đầu đời của anh đã lóe lên bên biển; và cũng rất có thể, biển luôn theo suốt chặng đường công tác của anh, từ một kỹ sư nông nghiệp, tình nguyện về với quê hương Nghệ An “gió Lào cát trắng”, có điểm du lịch Cửa Lò đang thu hút du khách bốn phương; có sông Lam xanh trong với cầu Bến Thủy - một địa danh anh hùng thời chống Mỹ; với các huyện miền tây Nghệ An trùng điệp, mùa hè nóng như thiêu như đốt, nhưng tiểm ẩn nhiều tiềm năng nông - lâm nghiệp...

Tôi muốn đề cập trước hết bài thơ ở đầu sách “Em chưa về với biển” và hiểu nguồn mạch vì sao tác giả chọn tiêu đề bài thơ này làm tên của tập thơ: “Biển như là vành môi/ Gọi về bao đôi lứa/ Để thắp lên ngọn lửa/ Tình yêu mỗi con người”. Các bài trong tập thơ quả thật đã “thắp lửa” tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước. Quê hương trong anh là người mẹ tảo tần khuya sớm: “Như là cây đời/ Cho con biết sống/ Như là biển rộng/ Đưa thuyền ra khơi”; là những vùng đất lam lũ mà nên thơ “Nếp rồng thơm cả lũy tre xanh/ Có sông Dinh đôi bờ liễu rủ/ Rú Gám mây bay, nắng tỏa bình minh”; rồi đồi cây Vĩnh Thành, vườn dứa Quỳ Lăng, Chợ Mọ khoai bùi, hồ Vệ Vừng nên thơ mà nhiều cô gái xinh tươi “dệt mùa vàng thành câu ví giặm/ Giận mà thương chín đợi mười chờ”. Những bài thơ viết về Yên Thành – nơi anh cất tiếng khóc chào đời; về Nghệ An đau đáu nỗi niềm nhân thế khi cuộc sống còn bộn bề gian khó, nhưng vẫn ngời ngợi niềm lạc quan yêu đời, yêu người. Đó là dòng chảy chính của nguồn cảm xúc trong thơ Nguyễn Thế Trung.


 Tác giả Nguyễn Thế Trung

Tôi nể phục chặng đường công tác của anh, từ một người xắn quần lội ruộng, vượt suối trèo non, cưỡi thuyền ra biển… để cùng tập thể tìm cách biến tiềm năng của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng anh hùng, con người kiên trung, cần cù, sáng tạo, thành hiện thực cuộc sống đẹp tươi, có lẽ sự trải nghiệm cuộc đời đa dạng ấy đã giúp hồn thơ anh sau bao năm bị nén dồn qua áp lực công việc, nay mới có điều kiện bật lên như hạt mầm ủ lâu giữa đất cằn, gặp mưa xuân trồi lên mãnh liệt! Câu hỏi “Tình yêu là gì?” cứ bám đuổi anh, nay đã được anh cảm nhận lắng sâu: “Dịu êm và dữ đội/ Tha thiết và đam mê/ Ngọt ngào như hương quê/ Tình yêu không có tuổi…”. Ngoại lục tuần rồi, anh vẫn mong ước “mãi mãi tuổi hai mươi” với tình yêu lắng lại, có sóng biển rì rầm như tiếng em thủ thỉ buổi nào “vỗ mãi không thôi”; và trong tâm tưởng anh, em mãi “như vầng trăng tròn vạnh”…

Những chuyến đi của anh, từ biển Trà Cổ - địa đầu vùng đông bắc Tổ quốc, đến hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); từ Quy Nhơn, nơi có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử đến đảo Phú Quốc “có em và có anh”, Nguyễn Thế Trung không chỉ ghi lại cảm xúc mến yêu và tự hào về mảnh đất tươi đẹp của Tổ quốc, mà điều quan trọng hơn là thông qua đó, anh gửi đi một thông điệp có chiều sâu: nhớ ơn ông cha từ ngàn xưa đã mở cõi, và bằng máu, mồ hôi, trí tuệ đã giữ vững biên cương, trải qua bao thăng trầm, biến cố vẫn bền bỉ làm đẹp thêm dải đất hình chữ S này. Một câu hỏi lớn đặt ra từ các bài thơ ấy: chúng ta nghĩ gì và làm gì cho xứng với công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng, liệt sĩ?

Những năm gần đây, trên cương vị là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyễn Thế Trung có điều kiện đi nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa. Anh đã trở lại nước Nga, thăm lại lăng Lênin và cố đô Xanh Pêtécbua, thấm sâu bài học về giữ vững và bồi đắp khí phách, bản lĩnh người cách mạng; thăm tượng Puskin với những “bài thơ tình huyền thoại”; thăm sông Vi Xoa “giữa Vácsava, như bản tình ca”; đến Đubai, nơi “nóng gắt trong trưa hè sa mạc”, nhưng “cây chà là vẫn xanh”; gặp những cô gái đạo Hồi với “tấm khăn choàng giấu kín nụ cười” duyên dáng; thăm Ixraen có “Biển chết” chạy dài hàng chục km trên sa mạc, nhưng đang tạo nên điều kỳ diệu khi trên sỏi đá cằn khô “nay cây đã đâm chồi”, “cây xứ lạnh vẫn nở trên đất chết”.

Ngoài những cảm xúc được viết thành thơ về cái kỳ vĩ của thiên nhiên ở nhiều xứ sở anh qua, tôi tâm đắc nhiều triết lý của nhà lý luận: “Đừng bắt biển xanh làm biển chết”…; “Tạo hóa giàu nghèo là thế/ Thước đo cuộc đời không dễ”. Một trong những triết lý có tính tổng kết lý luận - thực tiễn cuộc đời, nói thay suy nghĩ nhiều lớp người, được anh thể hiện sinh động và sâu sắc trong bài “Hư vô”: “Ai gần gũi dân/ Nhiều người đều biết/ Ai xây đất nước/ Sử sách khắc ghi/ Ai ở, ai đi/ Chỉ là sau trước/ Mất còn, thua được/ Miệng thế, nấm mồ…”.

Rồi anh hạ câu kết bài thơ bằng 8 chữ để đời: “Lợi danh, tiền bạc/ Chỉ là hư vô”, làm lung linh thêm câu thơ anh đã viết trước đó: “Chỉ chữ Tình còn mãi với thời gian!”./.

Nguyễn Hồng Vinh/nguolambao.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất