Thứ Bảy, 27/7/2024
Nghiệm thu Đề án khoa học: Công tác dân vận tham gia phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam (qua kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19)

 Quang cảnh Hội nghị

Hội đồng nghiệm thu Đề án do PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương; các nhà khoa học đến từ các cơ quan Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, thành phố Hà Nội; đại diện Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và cơ quan Ban Dân vận Trung ương; Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương...

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Tố Nga, Chủ nhiệm Đề án nhấn mạnh: Dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện từ cuối năm 2019 nhưng diễn biến phức tạp ở hầu hết các nước trên thế giới và cả ở Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Trong chống dịch tại thực địa, thời gian qua cho thấy có rất nhiều lực lượng cùng tham gia, việc chống dịch được thực hiện dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia với tinh thần "chống dịch như chống giặc" cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành Y tế hay của các cấp ủy, chính quyền... Cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong chống dịch. Tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng đều được triển khai ở nơi dân và đều phải dựa vào nhân dân để thực hiện.


 ThS. Nguyễn Thị Tố Nga, Chủ nhiệm Đề án báo các kết quả nghiên cứu tại Hội nghị

Ở đây, công tác dân vận đã góp phần trong phát huy vai trò, sự sáng tạo của nhân dân tham gia vào những công việc chung của đất nước, đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị nhất là ở cơ sở, động viên nhân dân tham gia phòng chống dịch, củng cố mối quan hệ gắn bó, niềm tin giữa nhân dân với chính quyền. Các cá nhân tham gia phòng chống dịch bệnh trên tinh thần tự giác, tình nguyện với nòng cốt là đoàn viên, hội viên của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tại địa phương, cùng những người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế.

Để đạt được những thắng lợi trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã và đang phát huy tối đa sự đoàn kết xã hội gắn liền với lợi ích, vai trò, trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội. Đại dịch COVID-19 có thể xem là phép thử cho ý thức, trách nhiệm xã hội của từng cá nhân, của từng quốc gia. Dịch bệnh không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân” và đại dịch có thể thúc đẩy ý thức cá nhân đối với lợi ích cộng đồng; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của từng cá nhân. Do đó, có thể khẳng định, giá trị vì cộng đồng, niềm tin, sự kết nối, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam đang đem lại những hiệu quả thực tế trước đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chúng ta nhận thấy còn một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phòng, chống dịch COVID-19 như: Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đã khiến ngưng trệ nhiều hoạt động văn hóa, xã hội trong thời gian khá dài. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống dịch tại một số khu vực, địa bàn, nhất là ở cơ sở có lúc, có nơi chưa quyết liệt và đồng bộ ...

Dự báo thời gian tới, các loại dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến các mặt đời sống xã hội ở cấp độ toàn cầu. Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch của nước ta mới chỉ là bước đầu, nên chúng ta không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi tình hình thế giới và khu vực. Trước những vấn đề cấp bách trên, Đảng, Nhà nước cần có những nghiên cứu khoa học đánh giá thực trạng những khó khăn do đại dịch gây ra nhằm đề xuất những giải pháp góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là giảm thiểu những thiệt hại đối với cuộc sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các tầng lớp nhân dân do dịch bệnh gây ra.

Thông qua phân tích, đánh giá thực trạng công tác dân vận tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam, Đề án đã tập trung làm rõ một số cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn công tác dân vận trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra những dự báo về dịch bệnh, đề xuất các nhóm giải pháp, kiến nghị đối với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác dân vận tham gia phòng, chống dịch bệnh ở nước ta trong thời gian tới.


 PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương,
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá: Đề án có tính cấp thiết, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề án được triển khai nghiêm túc, công phu; có kết cấu rõ ràng, phương pháp tiếp cận vấn đề cơ bản phù hợp. Các nhiệm vụ do đề án đặt ra đã được Ban chủ nhiệm giải quyết cơ bản theo đúng định hướng, mục tiêu, đạt được những kết quả quan trọng. Qua các sản phẩm của đề án cho thấy Chủ nhiệm đề án đã nghiêm túc, trách nhiệm tiếp thu, bổ sung các nội dung góp ý của Hội đồng cơ sở. Sản phẩm được thực hiện với hàm lượng thông tin phong phú, phản ánh các kết quả nghiên cứu ở cả khía cạnh lý luận và thực tiễn. Các chuyên đề khoa học có hàm lượng khoa học cao, được nhìn nhận, đánh giá đa chiều, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm. Các giải pháp đề xuất khá đầy đủ, có tính thực tiễn và tính khả thi...

Trên cơ sở đó, Hội đồng nhất trí thống nhất nghiệm thu Đề án khoa học: Công tác dân vận tham gia phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam (qua kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19) đạt số điểm 92.7 điểm./.

Hoàng Phong

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất