Thứ Năm, 5/12/2024
Phát huy tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 1975: Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân
 
 Ngày 30/4/1975, người dân Sài Gòn nô nức xuống phố đón chào Đoàn quân giải phóng.
(Ảnh tư liệu)

Dấu ấn chiến lược của Đảng trong Đại thắng mùa Xuân 1975

PGS. Bùi Đình Thanh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả của ý chí đoàn kết và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn thể dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu cho ý chí đó và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến chính là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhắc lại những dấu mốc quan trọng thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và chiến dịch mùa Xuân năm 1975 nói riêng, GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, những điểm mạnh, yếu của đế quốc Mỹ, định ra đường lối chiến lược xuyên suốt sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với hai giai đoạn: “đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Đồng thời, đề ra sách lược cách mạng thích ứng với từng giai đoạn của cuộc kháng chiến. Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đó của Đảng mang đậm tính cách mạng, khoa học, phát huy cao nhất các nhân tố dân tộc và thời đại, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế; là nghệ thuật tổ chức cả nước đánh giặc, cả nước cùng tiến công.

Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã chứng minh, khi “ý Đảng” hợp với “lòng dân” đã hội tụ sức mạnh, làm cho “thế trận lòng dân” càng được phát huy cao độ, tạo nên cao trào cách mạng quyết tâm giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Đại đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc là bài học xuyên suốt tiến trình lịch sử từ khi Đảng thành lập cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đến kháng chiến chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ và trong suốt quá trình Đảng tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay là 30 năm. Trong thời kỳ cách mạng, Nhân dân trên dưới một lòng theo sự kêu gọi của Đảng tiến lên giải phóng dân tộc, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Bài học lấy dân làm gốc, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước ta đang trên đà đổi mới, toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Từ bài học Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta cần ra sức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Ở bất kỳ giai đoạn nào, từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay luôn phải lấy dân làm gốc, ý Đảng là lòng dân. Từ ý nghĩa đó, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng Đảng đủ sức mạnh để chèo lái con thuyền đất nước nhìn từ thực tiễn vai trò nổi dậy của quần chúng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: Trong thời kỳ đổi mới, ngoài đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng thì phải nói tới sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Nhân dân là người thực thi, biến đường lối đổi mới của Đảng thành hiện thực to lớn mang ý nghĩa lịch sử đã được Đại hội XII khẳng định. Một trong những thành tựu to lớn mà Đại hội XII đã tổng kết đó chính là bài học đoàn kết, đó là đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quốc tế, nhờ sự đoàn kết ấy chúng ta mới có những thành công trong sự nghiệp đổi mới.

Để sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: Khi đã có đường lối, có Cương lĩnh đúng đắn, có hệ thống pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền thì toàn bộ vấn đề còn lại hiện nay là ở hành động. Hành động ở đây phải bắt đầu từ tổ chức Đảng lãnh đạo cao nhất từ Trung ương, Bộ Chính trị cho đến các tổ chức đảng ở cơ sở và toàn hệ thống chính trị cùng Nhân dân để sớm hiện thực hóa đường lối của Đảng vào cuộc sống.

“Nghị quyết là do chúng ta tạo ra và cũng là do chúng ta thực hiện, vì thế khi đã có Cương lĩnh, đường lối đúng, muốn hành động thì phải có đội ngũ cán bộ tốt, tổ chức tốt, năng lực tổ chức thực tiễn tốt và ý thức trách nhiệm của người đảng viên, của người công dân với dân tộc, đất nước thì mới có thể hiện thực hóa được Cương lĩnh của Đảng. Đại hội XII đã đề cao việc xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó quan trọng nhất là phải ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ đảng viên… Có thể nói nội dung xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay đã được đặt ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nếu có sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân thì sẽ tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của đất nước” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 30/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác