Thứ Bảy, 4/5/2024

Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận ở thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Trong những năm qua, thành phố đã tập trung lãnh đạo, điều hành bằng hệ thống các chính sách, cơ chế mang tính đột phá, có tác dụng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức thực hiện các phong trào hành động cách mạng có kết quả thực chất và “đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước”. Những kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác dân vận, thể hiện ở những điểm nổi bật sau:

1. Công tác dân vận đã bám sát nhiệm vụ chính trị; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhiều chủ trương, chính sách an dân, chăm lo lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh

Lấy mục tiêu an dân, thành phố đã ban hành và thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách, cụ thể như: Chính sách khuyến khích đầu tư; thu hút nguồn nhân lực trình độ cao; chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú cho công nhân; phát triển trường mẫu giáo, mầm non trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và địa bàn tập trung đông công nhân; vận động chủ nhà trọ không tăng giá cho thuê phòng, định mức điện, nước và thu tiền điện, nước theo quy định; chủ trương huy động các nguồn lực thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo vượt khó, vươn lên, góp phần hoàn thành chương trình giảm nghèo trước một năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố có thu nhập từ 16 triệu đồng/năm xuống còn 9.905 hộ, chiếm 0,5% hộ dân thành phố; thực hiện xóa nhà tạm, dột nát tại các xã nông thôn; chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực đưa nước sạch, nước hợp vệ sinh phục vụ nhân dân; chủ trương rà soát, điều chỉnh, thu hồi, hủy bỏ trên 550 dự án không khả thi; chăm lo Tết cho công nhân, nông dân, người lao động, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình nghèo bằng những chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Tết làm điều hay”...

Công tác dân vận với nhiều nội dung, giải pháp đúng đắn, phù hợp tiếp tục vận động, thu hút người dân tham gia tích cực, hiệu quả các phong trào do thành phố phát động như chương trình xóa đói, giảm nghèo (nay là giảm nghèo bền vững); chương trình “Vì người nghèo”; chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”; chương trình “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”; chương trình mục tiêu “3 giảm”; chương trình “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm, chung sức xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; phong trào “Vì thành phố văn minh - sạch đẹp - an toàn”...

Tất cả những hoạt động trên đã nói lên rằng, Đảng bộ và lãnh đạo thành phố thấu hiểu lòng dân, sâu sát những khó khăn trong dân, bám sát nhiệm vụ chính trị từ đó tiến hành công tác dân vận một cách linh hoạt sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân.

2. Thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền và Quy chế dân chủ ở cơ sở

Thành phố đã chỉ đạo phối hợp giữa các cấp chính quyền để xây dựng và vận hành Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng một loạt các giải pháp: Thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008; ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp, xây dựng quy chế, quy ước tại các cơ quan đơn vị; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp. Nổi bật trong công tác dân vận của chính quyền thời gian qua là tham gia vào quá trình thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch những thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến nắm được những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, những bức xúc của người dân; tìm cách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: kết nối doanh nghiệp với các tỉnh, thành và một số nước; kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhằm giải quyết khó khăn về vốn bằng các hình thức hỗ trợ, với tổng kinh phí là 37.483 tỷ đồng cho 991 doanh nghiệp.

Lãnh đạo thành phố đã thực hiện các cuộc tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ, đối thoại để giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc của nhân dân. Nổi bật là các chương trình: “Nói và làm”, “Lắng nghe và trao đổi” của HĐND thành phố; chương trình “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tăng cường các điểm tiếp dân, các hộp thư để người dân góp ý, tham gia đóng góp và đề xuất sáng kiến. Mở các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng như góp ý cho văn kiện đại hội Đảng các cấp, các chủ trương, quyết sách cho sự phát triển của thành phố.

3. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt hiệu quả tích cực, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân hơn

Trên cơ sở chương trình vận động nhân dân của Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, thiết kế các hoạt động sát với đặc điểm đối tượng, địa bàn, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất, học tập của nhân dân; tổ chức hoạt động theo “đặc thù ở địa bàn dân cư”, giảm các hoạt động bề nổi, giảm bớt công văn, giấy tờ... Từng bước khắc phục những biểu hiện phô trương, chạy theo thành tích; phát huy vai trò nòng cốt trong nắm tình hình dư luận xã hội, tham gia giám sát và phản biện xã hội cũng như để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy chế của MTTQ Việt Nam (được quy định cụ thể tại Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW).

Ngoài ra, cấp ủy đảng các cấp định kỳ tổ chức gặp gỡ với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy nhân sự cán bộ dân vận, luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sang làm công tác đảng, chính quyền và ngược lại; hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ không chuyên trách MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã, thị trấn; phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và hỗ trợ kinh phí hoạt động ở khu phố, ấp(1).

4. Lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thực hiện nhiều biện pháp để các cuộc vận động, phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, phát huy tiềm năng và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thông qua phong trào, đã xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu và được tuyên dương, nhân rộng, cụ thể: cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị; chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; phong trào thi đua “Dân vận khéo”; các hoạt động nhân đạo từ thiện; MTTQ với phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”; chương trình “Cùng công nhân vượt khó, chăm lo Tết cho công nhân”; chương trình “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động; phong trào “Nông dân xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Người nông dân sản xuất giỏi” của Hội Nông dân; phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”;  chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam” với các hoạt động: “Công trình thanh niên dựng xây Thành phố Anh hùng”, “Góp đá xây Trường Sa” của Thành Đoàn; “Chương trình thi đua gia đình tiết kiệm điện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ;  chương trình “Nêu gương sáng, giáo dục thế hệ trẻ” của Hội Cựu chiến binh...

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận.

- Lấy mục tiêu an dân, trọng dân, vì dân để làm nguyên tắc hành động, đồng thời cũng là thước đo đánh giá hiệu quả và phẩm chất năng lực của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ các cấp.

Trong bối cảnh cộng đồng Asean chính thức hình thành và trên nền tảng hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng với việc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như động lực tích cực để người dân tìm kiếm sự thịnh vượng, thì quá trình phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, nguy cơ chảy máu chất xám, chảy máu nguồn lực cũng gia tăng. Sự khác nhau về mức sống, lối sống, nhận thức của các giai tầng xã hội; sự biến động về cơ cấu dân số; sự chuyển dịch lao động ngày càng mạnh mẽ sẽ tác động hình thành các xu hướng, lợi ích khác nhau là những vấn đề rất phức tạp mà thành phố sẽ phải đối mặt. Bên cạnh đó, sự suy giảm những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang diễn ra trong đời sống xã hội có nguyên nhân từ mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng những mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình đô thị hóa có thể dẫn đến điểm nóng về an ninh. Những vấn đề đó là thực tế không thể né tránh và đòi hỏi công tác dân vận của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố cần tập trung thực hiện tốt những việc cấp bách sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân”, coi đó là nguyên tắc chung để hành động. Khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân, dân là chủ, dân làm chủ quyết định vận mệnh của đất nước. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với trọng tâm hướng mạnh về cơ sở, bám địa bàn.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và kiểm tra, giám sát các cấp ủy thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI), Chương trình hành động số 35-CTHĐ/TU của Thành ủy về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm Quy chế lấy ý kiến người dân, quán triệt, thực hiện nguyên tắc “mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân” trước khi ban hành bất cứ chính sách nào.

Thứ ba, tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân, và khiếu nại, tố cáo của công dân. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, trọng tâm là cải cách hành chính, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với cơ sở, bám sát địa bàn, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, nói đi đôi với làm; chăm lo đời sống và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhân rộng những điển hình, mô hình mới, hiệu quả. Chủ động kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhất là cơ chế, chính sách còn bất cập liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Thứ năm, xây dựng MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để tạo nguồn phát triển Đảng và nguồn quy hoạch cán bộ; nâng cao năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các giới, các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tất cả những công việc đó phải lấy mục tiêu an dân, trọng dân, vì dân để làm nguyên tắc hành động, đồng thời cũng là thước đo đánh giá hiệu quả và phẩm chất năng lực của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ các cấp. Bởi vì, mọi phong trào phát động qua công tác dân vận chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó tạo ra được niềm tin, tinh thần lạc quan, sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó huy động được tất cả các nguồn lực xã hội cho mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính hùng mạnh, thân thiện trong các mối quan hệ, với sự bền vững của các giá trị đạo đức, văn hóa; nơi mà bất cứ ai cũng có cơ hội được thể hiện hết năng lực sáng tạo cũng như khát vọng giàu có chính đáng của mình, được đảm bảo một cuộc sống có chất lượng tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

1. Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách MTTQ và các đoàn thể phường, xã, thị trấn; phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, hỗ trợ kinh phí hoạt động ở khu phố, ấp.

Đinh La Thăng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN