Thứ Bảy, 18/5/2024

Tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội trong công tác dân vận

Internet chính thức được sử dụng ở Việt Nam vào tháng 11/1997, trong khi công nghệ máy tính và Internet toàn cầu đã đi được một chặng đường gần 30 năm. Nhưng xét từ một góc độ khác, truyền thông trên internet chỉ thực sự phát triển và bùng nổ vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 sau khi dịch vụ công nghệ “world wide web” – “không gian thông tin toàn cầu” ra đời. Như vậy, quá trình khai thác, sử dụng internet của Việt Nam đi sau thế giới không xa và gần như chúng ta đã bắt kịp với nhịp độ phát triển chung của các quốc gia đứng đầu khu vực và thế giới trong lĩnh vực này.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2015, 36% dân số Việt Nam truy cập thông tin hàng ngày trên internet. Còn theo “We are Social” - một công ty quốc tế chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội có trụ sở chính tại Anh thì Việt Nam có hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu người dùng Internet. Nghiên cứu mới đây của Viện thăm dò dư luận Gallup (Mỹ) cũng cho thấy 43% người Việt Nam có Internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, 37% có điện thoại thông minh. 48% sử dụng điện thoại để đọc tin tức, trong khi 21% nghe tin từ radio và 19% đọc tin từ báo in...

Ở nước ta các mạng xã hội nổi tiếng như: Facebook, Youtube, Yahoo!360, Google+, ZingMe, Go.vn... có hàng triệu người sử dụng. Mạng xã hội có các đặc điểm như: tính đa phương tiện; tính tương tác, kết nối cộng đồng rộng lớn; khả năng truyền tải, lưu giữ thông tin... Thống kê của Công ty We are Social cũng cho thấy tại Việt Nam có khoảng 28 triệu tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là Facebook. Trong gần 28 triệu người dùng Facebook đó, 24 triệu người lướt mạng xã hội này bằng điện thoại.

Các ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông nói chung, của truyền thông mới và mạng xã hội nói riêng đã thúc đẩy tiến trình đất nước hội nhập toàn diện với thế giới. Bên cạnh đó cũng đang làm thay đổi sâu sắc đời sống văn hóa - xã hội, các cách thức trao đổi, tiếp nhận thông tin, giao tiếp, lao động, học tập, giải trí... của mọi giai cấp, thành phần trong xã hội. Với những ưu điểm của mình, các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là truyền thông xã hội đang được sử dụng ngày càng rộng rãi, lấn lướt các phương tiện truyền thông đại chúng cổ điển, được công chúng ngày càng ưa chuộng, tiếp nhận và sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Cùng sự chuyển dịch của công chúng truyền thông đại chúng tới các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội là sự chuyển dịch của tài chính, thương mại, đầu tư và các nguồn lực. Các dịch vụ quảng cáo, tiếp thị là nguồn nuôi sống với báo chí cũng chuyển hướng chảy vào các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội.

Trong xu thế chung đó, Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng như cá nhân đều coi sử dụng việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới, hay mạng xã hội là một kênh truyền thông quan trọng để quảng bá thông tin, nâng cao uy tín, tổ chức các chiến dịch truyền thông, thu hút công chúng bạn đọc, tìm kiếm sự ủng hộ, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, thu thập thông tin... Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” cũng yêu cầu: “Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội. Chú trọng việc định hướng và quản lý các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng xã hội; phát huy sức mạnh của dư luận xã hội lành mạnh hỗ trợ cho các biện pháp quản lý của Nhà nước và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.”

Trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, ngành dân vận, Ban Dân vận Trung ương đã xác định các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội là một trong những phương thức nhằm giáo dục chính trị tư tưởng; phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tập hợp, vận động các giai cấp, tầng lớp trong xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước tổ chức, phát động; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân... Có thể kể đến một số ưu điểm chính của việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay như:

Phát huy dân chủ XHCN, thông qua các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội, nhân dân có thể đóng góp để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Một nội dung quan trọng là đề cao và phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Để sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước phù hợp yêu cầu thực tiễn của đất nước, cần có nhiều yếu tố, trong đó vai trò phản biện xã hội. Những dự thảo văn kiện, chủ trương, chính sách, pháp luật được công bố trên báo điện tử, mạng xã hội để thăm dò ý kiến phản biện từ xã hội và điều chỉnh cho phù hợp trước khi ban hành là một quá trình quan trọng. Đây cũng là kênh để Đảng, Nhà nước lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, thăm dò nắm bắt dư luận xã hội, tham gia giải quyết những bức xúc, điểm nóng của xã hội.

Tuyên truyền, vận động, quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tổ chức và triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” rộng khắp trên cả nước. Khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội là kênh quan trọng để tuyên truyền, vận động các giai cấp, tầng lớp nhân dân hưởng ứng và thực hiện.

Tạo dư luận xã hội tích cực, củng cố và nâng cao uy tín, sự liên kết, gắn bó, ủng hộ trong nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội phải tích cực xây dựng và quản lý danh tiếng của cá nhân, qua đó làm nâng cao uy tín các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Công chúng trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực luôn có xu hướng nhận xét, đánh giá con người qua lời nói, hành động, dựa vào công việc, nghề nghiệp hay bạn bè của họ. Vì vậy người cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận sẽ mặc nhiên được cộng đồng suy xét dưới góc độ nghề nghiệp và hy vọng họ sẽ gương mẫu, tiêu biểu, xứng đáng qua những thông tin biểu đạt trên mạng xã hội.

Hỗ trợ thực hiện công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài và công tác đối ngoại. Với khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang công tác, sinh sống và học tập ở trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả nước thì các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội là kênh quan trọng cho công tác vận động quần chúng ở ngoài nước...

Tuy nhiên, trên thực tế sự quan tâm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới, mạng xã hội còn chưa nhiều, chưa coi đây là kênh thông tin, giao tiếp quan trọng với quần chúng, nhân dân. Mặt trái của các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội chưa được khắc phục như thông tin chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách; đưa tin không đúng sự thật, làm phai nhạt, giảm sút mối quan hệ gắn bó mật thiết, máu thịt giữa Đảng với dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kẻ địch thường xuyên lợi dụng các kẽ hở trong quản lý, sử dụng mạng xã hội để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá đất nước, tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Ví dụ tiêu biểu là việc làm giả, “nhái” các trang thông tin điện tử cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước tràn lan trên Facebook hiện nay chưa có chế tài của pháp luật hay biện pháp kỹ thuật phù hợp để ngăn chặn.

Bên cạnh đó cần khắc phục sự lệ thuộc quá lớn vào hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ từ các công ty, tập đoàn truyền thông lớn của nước ngoài dẫn tới mất tự chủ, độc lập trong thông tin, truyền thông.

Để phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội trong công tác dân vận, theo chúng tôi cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức về việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội để tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân vận và đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng đa dạng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, tăng cường khai thác, phát huy vai trò cá nhân trong sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người có uy tín trong xã hội.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, củng cố, tạo điều kiện phát huy vai trò của các đơn vị thực hiện công tác truyền thông trong toàn hệ thống để tăng cường tuyên truyền và là kênh thăm dò dư luận, tiếp nhận phản hồi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.

Bốn là, Ban Dân vận TW, ngành dân vận chủ trì tăng cường phối hợp, liên kết với các bộ, ban, ngành, địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông đại chúng tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Năm là, quán triệt, nêu cao ý thức trách nhiệm tham gia truyền thông xã hội của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành dân vận. Tăng cường kỷ cương, ý thức, trách nhiệm trong thông tin, phát ngôn; tránh sơ hở để kẻ địch lợi dụng. Chủ động, tích cực đấu tranh với âm mưu “Diễn biến hòa bình”, các luận điệu tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch. 

Phan Thanh

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN