Thứ Bảy, 18/5/2024

Phát huy vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với gia đình và xã hội. Trong gần 80% phụ nữ của khu vực nông thôn thì có đến 58% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một chủ thể quan trọng mang lại thu nhập chính cho gia đình. Họ không chỉ là lao động chính mà còn góp phần sản xuất ra phần lớn sản phẩm nông nghiệp. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đặt ra đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị và của các tổ chức Hội Phụ nữ nhằm khơi dậy và phát huy vai trò, tiềm năng, những đóng góp to lớn của lao động nữ ở nông thôn. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động để hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức và hành vi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới có vai trò hết sức quan trọng.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức việc tuyên truyền, vận động để phát huy mọi tiềm năng to lớn của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội Hội Phụ nữ cũng tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền có các chủ trương, chính sách đúng đắn và cách thức tổ chức tuyên truyền, vận động phù hợp. Nhờ đó phụ nữ nông thôn đã ngày càng năng động, sáng tạo, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh và hưởng ứng các phong trào vận động lớn do các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Qua tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hội viên phụ nữ càng khẳng định là lực lượng đông đảo góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và xây dựng đời sống mới.

Có nhiều nội dung tuyên truyền, vận động phụ nữ đã được tổ chức triển khai thực hiệu hiệu quả gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”, “xóa đói giảm nghèo”, xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “ Nhà sạch, vườn đẹp”, “Sản xuất, chăn nuôi giỏi”, “Ngôi nhà 3 sạch”, “Phụ nữ trồng rau sạch”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn”, “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”; “Đoạn đường phụ nữ xanh - sạch - đẹp”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Mái ấm tình thương”, “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”… Đặc biệt là tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ là nông dân xây dựng tình cảm đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm tại chỗ cho nữ nông dân, nhất là nông dân ở những vùng thực hiện thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp đã được chú trọng, qua đó đã nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, vị thế của phụ nữ trong tình hình mới.

Các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ cũng khá đa dạng, phong phú như: phối hợp mở lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, thông qua các đề tài, dự án về xây dựng nông thôn mới... Có thể kể đến các chương trình, đề án tiêu biểu như: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015”; “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”; “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”...

Hội Phụ nữ các cấp cũng chủ động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động các giai cấp, tầng lớp nhân dân thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; Xây dựng gia đình nông thôn văn hóa, gắn thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với việc tiếp tục triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và các phong trào khác ở từng địa phương, đơn vị. Kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục, tư vấn pháp luật và chính sách cho phụ nữ, ưu tiên đối tượng phụ nữ nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng có đông phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ công giáo….

Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ khai thác, quản lý nguồn vốn từ các ngân hàng, chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ, các nhóm phụ nữ tiết kiệm đều đạt kết quả tốt. Hội Phụ nữ cũng luôn đi đầu trong khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về các hoạt động ủy thác.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn hạn chế như: còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; các nội dung tuyên truyền, vận động còn mang tính phong trào, chưa đi vào chiều sâu; công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ; còn thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện; chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong hội viên phụ nữ; công tác phối hợp chưa được thường xuyên, nghiêm túc; việc xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động chưa được quan tâm đúng mức...

Theo chúng tôi, để nâng cao hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị và các cấp Hội Phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới cần thực hiện một số các giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ tích cực tham gia phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Cần phải đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung tuyên truyền, lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật và các phong trào do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động, giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, lựa chọn mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản, xóm...

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ cách thức xây dựng một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng như thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, tìm hiểu pháp luật… để tuyên truyền đến tận từng người dân. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tuyên truyền nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chí của nông thôn mới để mọi người dân trong đó đa số là phụ nữ nhận thức được và tự giác thực hiện.

Không ngừng nâng cao chất lượng công tác vận động, tuyên truyền về những mô hình, điển hình cá nhân, tập thể sản xuất kinh doanh giỏi, những cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, hội thảo, báo cáo chuyên đề… để thống nhất về nhận thức và hành động về xây dựng nông thôn mới.

Hai là, đổi mới và hoàn thiện về cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đa dạng hóa các hình thức liên kết, đầu tư, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thông qua đó, phụ nữ vừa có cơ hội tham gia phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vị thế xã hội. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, nhất là ở cấp cơ sở, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá về mô hình nông thôn mới trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn và phải mang tính bền vững. Nghiên cứu bổ sung các tiêu chí gắn với yếu tố giới, bình đẳng giới, sự tham gia của phụ nữ.

Ba là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là của các cấp Hội Phụ nữ trong việc tuyên truyền, tập hợp, vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là của các cấp Hội Phụ nữ và các hội viên phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho phụ nữ, để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng cho phụ nữ. Nâng cao chất lượng hướng nghiệp, dạy nghề về nông nghiệp, nông thôn, khuyến nông... trong các trường đại học, các trung tâm dạy nghề ở địa phương cũng như trong cả nước cho phụ nữ; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu các khu chế xuất, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động, trong đó thu hút lao động nữ.

Chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của phụ nữ, kết hợp với các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển các chương trình, dự án nhỏ nhằm giải quyết việc làm cho phụ nữ.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình, dự án, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có sự tham gia của phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ.

Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát về thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, dự án, chính sách xây dựng nông thôn mới trong các cấp, ngành, địa phương và cơ sở. Mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho người dân và phụ nữ tham gia kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tiến hành sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi lần kiểm tra, giám sát về việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới trong các cấp, các ngành, để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.

PGS. TS. Võ Thị Mai, Ban Dân vận Trung ương; TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

TẠP CHÍ IN