Thứ Bảy, 18/5/2024

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta hết sức coi trọng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và coi đây là cơ sở quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống; giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân và động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, vươn lên hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.

Nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thời kỳ đổi mới của đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận, đề cập đến từng đối tượng cụ thể, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; về “công tác dân tộc”; về “công tác tôn giáo”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”... để chỉ đạo, hướng dẫn cả hệ thống chính trị thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả thiết thực. Giải quyết các vấn đề liên quan tới dân tộc, tôn giáo đã bám sát quan điểm, chủ trương cuûa Ñaûng, chính saùch  phaùp luaät cuûa Nhaø nöôùc, söï phoái hôïp giöa các ngành, các cấp, chú trọng công tác vận động, thuyết phục, hướng dẫn, khắc phục cơ bản tình trạng mệnh lệnh, hành chính, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quyết định rất lớn góp phần từng bước thực hiện công bằng xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được thực hiện và đạt kết quả quan trọng, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào xoá đói, giảm nghèo..., nhờ đó các xã thuộc diện nghèo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều nét đổi mới. Nhiều địa phương có các mô hình tiêu biểu, hiệu quả như Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An đã tham mưu cho Tỉnh uỷ chỉ đạo triển khai 09 đề án thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, hay Ban Dân vận Tỉnh uỷ Hà Giang đã tham mưu thành lập Hội nghệ nhân dân gian nhằm bảo tồn và đưa vào quản lý các hoạt động văn hoá tín ngưỡng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Còn nhiều địa phương có cách làm phong phú, đa dạng, tất cả nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng đưa công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là các Chương trình 135, 134, Nghị quyết 30a... được triển khai tích cực đã đem lại những thay đổi căn bản cho vùng đồng bào, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao một bước đời sống của đồng bào. Làm tốt công tác dân vận ở cơ sở đã giúp các cơ quan, đơn vị tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp trúng, đúng.

Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trong dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, đã có trên 68% tổng số hộ gia đình có nước sinh hoạt hợp vệ sinh và hơn 80% số xã có hạng mục công trình thuỷ lợi, đã xoá tình trạng nhà ở dột nát. Tốc độ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi có bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông lâm nghiệp, dịch vụ tăng, đời sống đồng bào được cải thiện đáng kể, xuất hiện một bộ phận hộ gia đình nông dân dân tộc thiểu số biết sản xuất hàng hoá và sản xuất kinh doanh giỏi. Đoàn kết giữa các dân tộc, bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn, phát huy. Nhiều tập tục lạc hậu được đẩy lùi, xóa bỏ, góp phần xây dựng đời sống văn minh và tiến bộ. Đến nay, 100% xã trên cả nước đã có bưu điện văn hoá xã và có 22 ấn phẩm báo chí đến với người dân; có trên 50% xã có nhà văn hoá xã; có 90% hộ dân được nghe đài phát thanh; có 80% hộ gia đình được xem truyền hình... Gần 100% số xã có trạm y tế; trên 90% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; khoảng 85% thôn, bản có nhân viên y tế cộng đồng; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt gần 60%, bảo đảm cứu chữa và chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề đã đạt gần 20%...

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, các lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phương châm: bám cơ sở, sát địa bàn, gần dân, kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân không nghe, không tin theo kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất ổn định chính trị, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đúng đắn, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đã gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Công tác tạo nguồn, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng có tính then chốt để tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân các dân tộc, góp phần đưa tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng tăng.

Mặc dù vậy, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch giàu nghèo, mức sống, điều kiện sống giữa các vùng miền tiếp tục có xu hướng ngày càng tăng lên; văn hóa truyền thống ngày càng mai một, còn nhiều tập tục lạc hậu chưa được cải biến phù hợp với đời sống mới, đặc biệt đã xuất hiện khoảng trống tinh thần. Tỷ lệ biết đọc, biết viết trong phụ nữ người dân tộc thiểu số thấp, trong khi đó họ lại trụ cột gia đình; đây là thách thức lớn cho phát triển bền vững trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đào tạo nghề. Lĩnh vực an ninh tư tưởng văn hoá chưa có định hướng kịp thời, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc, kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ở một số địa phương thiếu hụt cán bộ là người dân tộc thiểu số, cơ cấu cán bộ chưa hài hòa hợp lý giữa các dân tộc; trình độ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn chưa tương xứng so với mặt bằng chung cả nước.

Để tiếp tục đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, nên chăng chúng ta cần quan tâm một số nội dung sau:

Một là, các cấp ủy đảng lãnh đạo có hiệu quả công cuộc đổi mới và tăng cường thể chế hóa, cụ thể hoá các chủ trương về công tác dân tộc của Đại hội XII của Đảng và đại hội đảng các cấp thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương, bảo đảm tốt nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Hai là, cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Thường xuyên giám sát và định kỳ có sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên gặp gỡ trao đổi bàn bạc với đồng bào các dân tộc; lắng nghe ý kiến phản ánh, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc tạo sự đồng thuận ủng hộ và tự giác thực hiện trong nhân dân.

Hệ thống chính trị cần đổi mới và nâng cao chất lượng nắm tình hình nhân dân các dân tộc để kịp thời phản ánh, tham mưu cho Đảng. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đồng bào nhằm tháo gỡ những băn khoăn, những phức tạp nảy sinh ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đồng bào.

Ba là, xây dựng các đề án tạo nguồn, đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ, có cơ chế đặc thù đối với cán bộ làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ làm công tác dân vận tương xứng với tỷ lệ người dân tộc trên địa bàn; thực hiện chính sách cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất trong cấp uỷ về công tác cán bộ, bảo đảm quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm những cán bộ người dân tộc thiểu số tiêu biểu, có năng lực, trách nhiệm. Căn cứ vào tỷ lệ dân số của dân tộc để giới thiệu cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo trong tổ chức đảng, chính quyền một cách hài hòa.

Bốn là, các ngành chức năng cần xây dựng triển khai các đề án thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết đất sản xuất gắn với chuyển đổi mô hình sản xuất, bảo vệ môi trường và sắp xếp dân cư vùng biên giới lâu dài ổn định. Đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, phát huy hiệu quả các chủ trương, chính sách đầu tư, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, giải quyết những khó khăn trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, điều chỉnh, bổ sung các hương ước, quy ước phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập nhằm hạn chế khoảng trống về văn hoá tư tưởng, tín ngưỡng tâm linh.

Các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình  Trung ương và địa phương  cần xây dựng chuyên mục để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân; đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáu là, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp làm tốt chức năng, nhiệm vụ công tác dân vận ở vùng đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phối hợp tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời phát hiện các mô hình, điển hình tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc để biểu dương và nhân rộng.

ThS. Nguyễn Quốc Đoàn
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN