Thứ Bảy, 4/5/2024

Vận động dân chủ bầu cử theo tinh thần Hồ Chí Minh để có những công bộc thực sự của dân

Bản chất của mỗi chế độ xã hội suy cho cùng đều do chế độ chiếm hữu tư liệu sản xuất quy định. Khác với nền dân chủ tư sản, ở Việt Nam, chế độ chiếm hữu công cộng về tư liệu sản xuất đã đưa tất cả mọi người dân tới địa vị chủ nhân của đất nước, toàn bộ quyền lực đều thuộc về nhân dân. Đây là một thành tựu, một giá trị cách mạng được xác lập theo lôgic phát triển tất yếu của lịch sử - một giá trị phải nhiều thập kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước mới có được, đáp ứng nguyện vọng độc lập, tự do hàng nghìn năm của dân tộc.

Tuy nhiên, quy luật của phát triển cũng chỉ ra rằng, xác lập được giá trị ấy cũng chỉ là thắng lợi có ý nghĩa tiền đề vững chắc cho những tiến trình cách mạng tiếp theo để củng cố, phát triển ngày càng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, để mỗi người dân thật sự là chủ. Nghĩa là không có nền dân chủ trừu tượng. Để vị trí chủ nhân ấy tồn tại với ý nghĩa đầy đủ thì mỗi người dân đều phải biết làm chủ thông qua nhiều cách thức, trong đó cái quan trọng nhất, có ý nghĩa sống còn là dân phải biết đoàn kết, tham gia vào việc tạo ra công cụ quản lý, điều hành đất nước tốt nhất cho mình, đó là Nhà nước với hệ thống những cơ quan quyền lực thực sự là “công bộc” của dân.

Nắm rõ quy luật ấy, chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945 tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị thực hiện ngay một nhiệm vụ cấp bách là tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để “Toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là chính phủ của toàn dân”(1). Đề nghị này đã biến ngay thành quyết định, thành quá trình khí thế cách mạng cho một công việc hợp lòng dân nhưng không hề đơn giản, đòi hỏi phải làm tốt công tác dân vận để tất cả cử tri là công dân Việt Nam đều tham gia bầu cử. Bởi theo Hồ Chí Minh: “trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(2) phải có những định hướng vận động dân chủ phù hợp. Đây là di sản quý để mỗi lần tổ chức bầu cử chúng ta đều có thể vận dụng.

Hiện nay, trong không khí sôi nổi tiếp sau thành công của Đại hội XII của Đảng, cả nước đang hướng tới bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp. Đó là một thuận lợi hết sức cơ bản, nhưng cũng còn những khó khăn, những diễn biến không đơn giản ảnh hưởng đến khí thế và khả năng làm chủ của nhân dân trong bầu cử. Đó vẫn là sự khác nhau về trình độ dân trí, về ý thức và tinh thần cách mạng trong các giai cấp, tầng lớp nhân dân, đặc biệt có sự tác động của những diễn biến phức tạp trong nhận thức và thực hành dân chủ từ nhiều phía.

Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...

Vì vậy đòi hỏi Đảng, Nhà nước cũng như mỗi người dân phải nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết về dân chủ để hiểu thấu mọi vấn đề, hiểu thấu quyền lợi và nghĩa vụ của người chủ đối với công việc bầu cử, khắc phục và vượt qua những tồn tại, hạn chế. Vận động dân chủ bầu cử trở thành những hoạt động thiết thực cho mục đích, mục tiêu của bầu cử mà trước hết, theo Hồ Chí Minh thì toàn Đảng, toàn dân phải vượt lên thực hiện tốt những công việc, những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, phải tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân rằng đây “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”(3). Phải tuyên truyền, vận động dân chủ bầu cử bằng mọi cách, thông qua cả hệ thống chính trị, các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, các loại hình báo chí truyền thông, các hoạt động gặp gỡ tiếp xúc cử tri, nhân dân của cán bộ, đảng viên... “Nói chuyện với từng người. Nói chuyện với đông người. Khai hội, nói chuyện với tầng lớp này, nói chuyện với tầng lớp khác, với mọi tầng lớp”(4). Kiên trì vận động, theo Hồ Chí Minh phải: “nói một lần họ chưa hiểu, thì nói nhiều lần, nói đi, nói lại bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi”(5).

Để nhân dân hiểu, nhân dân thông suốt là tiền đề chắc chắn cho mọi thắng lợi và do đó, ngày bầu cử thực sự là ngày hội cách mạng của toàn dân tộc. Có thể nói, cái khó nhất suy cho cùng là mục đích, mục tiêu chất lượng của bầu cử. Nhân dân thực sự làm chủ được mình sẽ sáng suốt hơn trong lựa chọn, nhận diện và gạt đi được tất cả những hành vi chạy chọt, hy vọng trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để tư lợi... Khi nhân dân thông suốt, nhân dân hoàn toàn làm chủ thì không thể có kết quả với chất lượng thấp.

Thứ hai, phải vận động được nhân dân tham gia quá trình bầu cử đúng với tư cách chủ nhân của đất nước. Bắt đầu từ dầy công nghiên cứu, tìm hiểu, đóng góp ý kiến, cống hiến trí tuệ vào quá trình tổ chức, hoạt động hiệp thương lựa chọn đề cử đại biểu và nghiêm túc xem xét những đại biểu tự ứng cử... đến khi cầm bút lựa chọn trên lá phiếu bầu. Tất cả đều phải là một quá trình tâm huyết và hết sức trách nhiệm.

Với tư cách người chủ thực sự, mọi người dân đều phải hết lòng, hết sức với vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Ứng cử viên tiềm năng nhưng thấy mình chưa đủ năng lực, trình độ, đạo đức thì tự giác rút lui để tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu với thái độ tích cực về những đại biểu ưu tú được lựa chọn. Mặt khác, cũng với tinh thần ấy mọi công dân phải tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ để tham gia gánh vác trọng trách của đất nước với một thái độ rõ ràng như Hồ Chí Minh từng lưu ý: hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử.

Đồng thời cũng phải hiểu được nguyên tắc, bản chất của nền dân chủ dựa vào sự công minh sáng suốt của toàn dân, cho nên không phải tất cả mọi người có tên trong danh sách để dân bầu đều trúng cử. Do đó trúng cử hay chưa trúng cử đều vui vẻ, đều tiếp tục phấn đấu vì dân, vì nước để tiếp tục phát triển, tiếp tục hoàn thiện. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, rất tế nhị được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc và chu đáo, từ lần bầu cử đầu tiên năm 1946, Người đã lưu ý xác định rõ: “những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào... Những người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì phải luôn luôn giữ vững lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ cố gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta”(6). Như thế dù trúng cử hay chưa trúng cử, tất cả theo vị trí trách nhiệm của mình đều phải sáng tỏ lập trường vì dân, vì nước - sáng tỏ động cơ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Đó là một giá trị của dân chủ, văn minh trong bầu cử.

Thứ ba, giữ vững và nâng cao chất lượng dân chủ sau bầu cử. Sau bầu cử thì một bộ máy Nhà nước với các nhân sự mới xuất hiện. Vấn đề đặt ra là Nhà nước ấy từ Trung ương đến địa phương phải duy trì và phát triển niềm tin mà dân gửi gắm. Đây cũng là vấn đề khó, đòi hỏi các tổ chức Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến công chức, viên chức, người lao động bình thường đều phải thực sự là “công bộc”, là “tôi tớ trung thành của nhân dân”. Chỉ như vậy thì mới có trăn trở tìm cho ra đường đi, nước bước, mới vượt lên đảm nhận những trọng trách, xử lý tốt cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Đặc biệt sẽ không rơi vào tha hóa, không có sự nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn quyền lực của nhân dân với trách nhiệm cá nhân.

Năm 1946, sau khi được bầu làm Chủ tịch nước, Bác Hồ trả lời các nhà báo đã nói rất rõ: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(7)...

Nhất quán với tinh thần ấy, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý một số đại biểu được dân bầu, dân cử, có vị trí trong chính quyền lại trở mặt tỏ thái độ không tốt với dân, “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải cậy thế với dân”, quên rằng “Chính phủ từ toàn quốc đến làng đều là công bộc của dân”(8) và “Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”(9). Đây chính là quá trình tiếp tục vận động dân chủ bầu cử, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là những người được nhân dân bầu ra làm đại diện cho mình phải nghiêm túc thực hiện. Đồng thời đây cũng là tiêu chí, chuẩn mực để dân theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và thường xuyên điều chỉnh để thực hiện được công việc chăm lo xây dựng hệ thống bộ máy Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh và phát huy được dân chủ, góp phần giải phóng mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9: Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật , Hà Nội, 1984, tr.72, 519, 72, 520, 340, 86. 100, 36, 86.

ThS. Chu Tuấn Anh

TẠP CHÍ IN