Thứ Bảy, 18/5/2024

Một số kinh nghiệm công tác dân vận từ vụ việc xảy ra ở Vĩnh Tân

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là dự án mang tầm quốc gia được đầu tư xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong những dự án nhiệt điện than quan trọng nhằm khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ khi dự án được triển khai và đi vào hoạt động đến nay đã tạo nhiều cơ hội cho người dân địa phương có việc làm ổn định, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sang nghề buôn bán, cung cấp các dịch vụ mang lại thu nhập cao nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn trước. Tuy nhiên, dự án cũng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như: Tình trạng ô nhiễm môi trường; một bộ phận người dân sau khi bị thu hồi đất, không có việc làm, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn hơn; các tệ nạn xã hội, băng nhóm bảo kê lộng hành, tranh giành lãnh địa gây mất an ninh trật tự... 

Đầu năm 2014, khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân chính thức đi vào vận hành phát điện, khối lượng tro, xỉ hàng ngày thải ra khoảng 4.000 tấn. Nhà máy đã triển khai đầu tư xây dựng bãi chứa xỉ than có diện tích hơn 64ha nhưng việc triển khai các phương án xử lý xỉ than của chủ đầu tư còn chậm, chưa triệt để, lượng khói thải đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe, làm cho nhân dân trong vùng thực hiện dự án rất lo lắng, bức xúc.

Mặc dù đã có dự báo, lường trước các tình huống phát sinh, song vào ngày 14/4/2015, tại khu vực bãi xỉ gió rất to kèm theo lốc xoáy cục bộ đã làm cho bụi xỉ than phát tán trên diện rộng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số người dân xã Vĩnh Tân do quá bức xúc, không tự kiềm chế, đã tụ tập đông người, tổ chức kéo đến nhà máy phản ánh, đòi dừng hoạt động của nhà máy, rồi sau đó dùng vật dụng ngăn chặn phương tiện giao thông trên Quốc lộ 1A trong hai ngày liền, xung đột với lực lượng làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, gây tổn thất lớn về kinh tế cho các chủ phương tiện lưu thông. Mục đích của người dân là tạo áp lực để Chính phủ, các bộ ngành, các cấp chính quyền sớm chỉ đạo giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Từ khi có chủ trương thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã luôn quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phối hợp đẩy mạnh các phương thức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương xây dựng nhà máy để nhân dân đồng thuận, nhất là giai đoạn đầu thi công, vận hành nhà máy; đồng thời, chỉ đạo phân công cơ quan, bộ phận chức năng theo dõi diễn biến tình hình để xử lý các vấn đề phát sinh. Theo đó, UBND tỉnh và huyện Tuy Phong ra quyết định thành lập Tổ công tác giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Đích thân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thị sát trực tiếp tại nhà máy, làm việc với Ban Giám đốc yêu cầu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có phương án xử lý trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do khói đốt và tro bụi từ bãi xỉ phân tán ra khu vực dân cư.

Khi vụ việc ngày 14/4/2015 xảy ra, huyện Tuy Phong đã tổ chức vận động nhân dân nhưng không thành, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh cùng các ban, ngành liên quan cử cán bộ tăng cường xuống hiện trường tổ chức vận động nhân dân theo hướng ghi nhận, đồng cảm, chia sẻ những kiến nghị chính đáng của nhân dân; vận động người dân giữ thái độ bình tĩnh không cản trở phương tiện giao thông và tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Mặt khác, chỉ đạo UBND tỉnh báo cáo tình hình cho Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để phối hợp chỉ đạo xử lý. Ngay sau đó, ngày 15/4/2015 Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc thực hiện các giải pháp khắc phục ảnh hưởng đến môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, các lực lượng làm công tác dân vận của tỉnh, huyện, xã khéo léo tìm cách vận động người dân tin tưởng, đồng thuận để nhà máy thực hiện các giải pháp khắc phục ảnh hưởng đến môi trường theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đeo bám, kiên trì vận động, thuyết phục, người dân đã giảm bức xúc, không còn tụ tập đông người, cản trở giao thông. Đến nay tình hình cơ bản ổn định.

Từ thực tiễn tham gia giải quyết vụ việc ở xã Vĩnh Tân,  theo chúng tôi, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các công trình, dự án như sau:

Trước hết, các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án.

Quá trình thực hiện các dự án lớn, mang tầm quốc gia được chia nhiều giai đoạn thi công với nhiều nhà thầu nên công tác quản lý sẽ rất khó khăn và có những ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Có ý kiến cho rằng: Các dự án của Trung ương do Bộ chủ quản phê duyệt, chịu trách nhiệm chính; các ngành chức năng của địa phương theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện nhưng không thể xử lý kiên quyết khi chủ đầu tư chưa hoàn thành các điều kiện đảm bảo về môi trường xung quanh đã cho nhà máy hoạt động để lấy lại vốn, thu lợi nhuận. Vì vậy, phải có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình đầu tư và quá trình thực hiện dự án. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến đời sống thiết thực của người dân bằng cách đầu tư các thiết bị hiện đại sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; di dời hoặc hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân chịu tác động ô nhiễm ra khỏi vùng thực hiện dự án.

Đối với địa phương, cơ sở cần chủ động, tích cực tham gia ngay từ khi có chủ trương thực hiện các công trình, dự án, phân công các cơ quan chức năng nắm tình hình tác động của dự án để có quan điểm rõ ràng, phương án xử lý cụ thể. Phối hợp với chủ đầu tư thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương đầu tư chương trình, dự án và quá trình thi công, vận hành nhà máy để người dân được biết, thông cảm, chia sẻ. Nên có quy chế phối hợp giữa Ban quản lý dự án với chính quyền xã nơi thực hiện dự án trong công tác thông tin, tuyên truyền, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong nhân dân.

Hai là, chủ động, nhạy bén, kết hợp toàn diện các biện pháp khi giải quyết vụ việc phát sinh.

 Các cấp ủy đảng, chính quyền ở địa phương, cơ sở nơi thực hiện dự án phải thật sự nhạy bén, chủ động theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi lên trong dư luận nhân dân. Trên cơ sở đó dự báo, đánh giá, nhận định những tình huống mới, kịch bản xấu có thể xảy ra.

Các cấp ủy, chính quyền cần chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất, sát sao, toàn diện, phát huy năng lực của cả hệ thống chính trị trong giải quyết vụ việc xảy ra. Đối với những vụ việc phức tạp, đông người thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp chỉ huy giải quyết, quyết định biện pháp xử lý cũng như huy động, phân công các lực lượng trong giải quyết vụ việc. Phương thức giải quyết cần ưu tiên sử dụng biện pháp tuyên truyền, thuyết phục, sử dụng lực lượng cơ bản, nòng cốt là cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng cốt cán chính trị, quần chúng tiến bộ và có sự phân công khu vực, đối tượng để tập trung vận động, thuyết phục. Chuẩn bị tốt hệ thống thông tin, nhất là loa phát thanh có công suất lớn để tuyên truyền, vận động, giải tán đám đông quần chúng. Thực tế tại hiện trường xử lý vụ việc, người dân hiếu kỳ đứng xem rất đông, nếu chỉ sử dụng loa tay tuyên truyền thì nhiều người dân nghe không rõ,  sẽ không đồng thuận với cách giải quyết của chính quyền. Trong trường hợp có những đối tượng manh động, kích động, lực lượng công an phải có phương án ngăn chặn đám đông hiếu kỳ từ xa, tổ chức bắt, áp giải đối tượng cầm đầu, phong tỏa nhanh gọn hiện trường.

Ba là, làm tốt công tác thông tin, báo cáo cấp trên kịp thời để tranh thủ chủ trương chỉ đạo, lực lượng giải quyết.

Các vụ việc tụ tập đông người có thể dẫn đến hậu quả khó lường trước. Đôi khi, do lúng túng, chủ quan hoặc ngại phê bình nên địa phương, cơ sở còn “giấu”, chưa báo cáo kịp thời với cấp trên, do đó thiếu các giải pháp, lực lượng để giải quyết dứt điểm, làm cho vụ việc kéo dài gây bất bình trong dư luận, dễ bị các thế lực xấu có thời gian, điều kiện lợi dụng, kích động, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền phải sáng suốt nhận định, đánh giá tình hình, báo cáo cấp trên kịp thời để tranh thủ ý kiến chỉ đạo xử lý, tăng cường lực lượng giải quyết đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu, hạn chế thấp nhất những thiệt hại, ảnh hưởng không đáng có, tránh để tình trạng quá sức hoặc “nước tới chân mới chạy”. Sau khi vụ việc được giải quyết, sớm triển khai ngay các giải pháp khắc phục như đã cam kết với dân; đồng thời có biện pháp xử lý, răn đe số đối tượng manh động, định hướng dư luận, không để vụ việc tiếp tục tái diễn.

Trần Xuân Đông, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN