Thứ Bảy, 18/5/2024

Đảng bộ cơ sở các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ với công tác dân vận trong đồng bào Khmer

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của các cấp chính quyền, các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ có tình hình chính trị cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội từng bước phát triển. Đời sống của đồng bào Khmer được cải thiện đáng kể, quyền làm chủ được phát huy, đồng bào phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, luôn nâng cao ý thức đoàn kết giữa các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đạt được kết quả đó là nhờ đảng bộ cơ sở các tỉnh trong khu vực đã tăng cường công tác dân vận trong đồng bào Khmer.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác dân vận, Đảng bộ các cơ sở khu vực Tây Nam Bộ đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, văn bản của cấp ủy đảng cấp trên thành kế hoạch, chương trình vận động đồng bào Khmer phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Các đảng bộ cơ sở đã vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ sở. Các cấp ủy đã thực sự đóng vai trò hạt nhân, lãnh đạo hoạt động phối hợp của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Một số địa phương đã có nghị quyết chuyên đề tập trung bàn những vấn đề liên quan đến đời sống và việc vận động đồng bào Khmer. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy đảng các cơ sở thường xuyên thể hiện vai trò trong kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cán bộ, đảng viên vận động đồng bào Khmer. Nhiều phong trào thi đua được đồng bào Khmer đồng tình, tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện có hiệu quả như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, đô thị văn minh; “Xóa nhà tranh, tre dột nát”; “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”;  “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ ở vùng dân tộc và miền núi”…

Các đảng bộ cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện phong trào xây dựng nếp sống mới, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia các hoạt động của tổ an ninh nhân dân, tổ dân phòng, tổ hòa giải… Nhiều nơi trước đây là điểm nóng về tội phạm, tệ nạn xã hội nhưng do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đồng bào nên hiện nay tình hình an ninh đã ổn định. Đồng bào Khmer nhất là sư sãi ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng cơ sở tôn giáo văn minh.

Cấp ủy đảng những nơi có đông đồng bào Khmer đã động viên đồng bào tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương. Bà con đồng bào Khmer từng bước thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong các đợt bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, gần 100% đồng bào Khmer đi bỏ phiếu đúng và sớm hơn thời gian quy định. Các đảng ủy cơ sở tổ chức tự phê bình và phê bình trước nhân dân định kỳ 6 tháng, 1 năm/ lần. Qua đó, đồng bào đã mạnh dạn đóng góp ý kiến, thẳng thắn phê bình những hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên.

Những năm gần đây, các đảng ủy cơ sở khu vực Tây Nam Bộ phát huy tốt vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị; thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng làm công tác dân vận chuyên trách. Các đảng bộ cơ sở đã huy động và giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở tham gia công tác vận động đồng bào Khmer. Tổ chức nào thực hiện nhiệm vụ này không hiệu quả đều bị cấp ủy chấn chỉnh, nhắc nhở. Bên cạnh đó, các đảng ủy cơ sở khu vực Tây Nam Bộ tích cực huy động lực lượng công an xã, phường, thị trấn; cán bộ y tế; giáo viên… thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer vào nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan đơn, vị.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị đã được thể hiện rõ qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Trọng tâm là đổi mới công tác cán bộ Mặt trận, đoàn thể, tăng tỷ lệ cán bộ đoàn thể ngoài Đảng, nữ, cá nhân tiêu biểu, uy tín trong đồng bào. Đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, cơ cấu thành phần Ủy ban Mặt trận xã phải có người Khmer, sư sãi tham gia thành viên và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, những cán bộ đoàn thể này cũng thường xuyên được lấy phiếu tín nhiệm trong cộng đồng dân cư thông qua các buổi sinh hoạt nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, vi phạm của cán bộ để đưa ra hình thức chấn chỉnh phù hợp.

Đảng bộ các cơ sở quan tâm tới điều kiện vật chất, tinh thần, nơi làm việc của cán bộ đoàn thể, kèm theo chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích đội ngũ cán bộ dân vận để họ yên tâm, gắn bó với đồng bào, với cơ sở. Khi quy hoạch, tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ các đoàn thể, cấp ủy đảng chú trọng cán bộ là người Khmer; thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ là người Khmer vượt qua tâm lý tự ti, mặc cảm, hăng hái, tự tin gắn bó với công việc được giao phụ trách.

Cấp ủy đảng cơ sở đề ra hình thức vận động đồng bào Khmer thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, những người đứng đầu các phum, sóc, người có uy tín, các vị chức sắc tôn giáo đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Các cơ sở chú trọng việc xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Điển hình như Trà Vinh, Kiên Giang thời gian qua đã xây dựng được trên 400 cốt cán trong tôn giáo. Nhiều vụ việc phức tạp xảy ra, cán bộ giải thích, vận động không chuyển biến nhưng khi sư sãi nhất là các vị chức sắc Phật giáo Nam Tông Khmer tuyên truyền, giải thích thì đồng bào hưởng ứng làm theo. Nhiều vị sư sãi tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, kể chuyện tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh cho đồng bào nghe. Nhiều địa phương có gương người tốt, việc tốt, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng được tuyên dương trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp dân, các buổi tọa đàm… tạo niềm tin trong đồng bào, là động lực lớn cho cộng đồng người Khmer học tập, hăng hái làm theo.

Các cấp ủy đảng đã nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ người Khmer, coi việc xây dựng và phát triển đội ngũ này là vấn đề vừa có tính cấp bách, trước mắt vừa mang tính lâu dài, có ý nghĩa nhiều mặt, nhất là đối với công tác vận động đồng bào Khmer. Các cấp ủy đảng vùng Tây Nam Bộ luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người Khmer, tạo nguồn cán bộ qua việc tiến hành rà soát, phát hiện quần chúng đủ tiêu chuẩn đào tạo họ thành cán bộ cốt cán trong đồng bào Khmer.

Từ thực tiễn việc tăng cường công tác dân vận trong đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, phải thường xuyên nhận thức đầy đủ công tác vận động đồng bào Khmer có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Thực tế cho thấy, phải coi trọng, sâu sát cơ sở, uốn nắn những biểu hiện không đúng của cán bộ, đảng viên đối với đồng bào, cần lựa chọn các cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, chăm lo lợi ích của đồng bào và được đồng bào tin cậy. Phải nhận thức đầy đủ vai trò của đồng bào Khmer, tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các phong trào, hành động cách mạng ở địa phương. Đó là cơ sở để cải thiện đời sống đồng bào, củng cố, tăng cường lòng tin của đồng bào với tổ chức đảng, chính quyền.

Hai là, phải nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị của địa phương, đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào Khmer. Quan trọng hơn nữa phải biết cụ thể hóa đường lối, xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị của địa phương, mọi việc phải được bàn bạc, thống nhất kỹ càng, xuất phát từ những vấn đề bức xúc, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào. Đây là vấn đề cơ bản có tính chất quyết định trong công tác vận động đồng bào Khmer.

Ba là, phát huy sức mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, các lực lượng xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác vận động đồng bào Khmer. Cần huy động mọi tiềm lực trong xã hội tham gia cùng với các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt để thực hiện tốt công tác này. Thực tế cho thấy ở Trà Vinh, Sóc Trăng và một số địa phương khác, các tổ chức kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng đối với công tác vận động đồng bào người Khmer. Nhiều cấp ủy đã thể hiện được vai trò chỉ huy, điều phối, phân công trách nhiệm trong hệ thống chính trị, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác vận động đồng bào người Khmer.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức vận động đồng bào Khmer, kết hợp linh hoạt nhiều hình thức vận động. Các hình thức vận động cần phù hợp với từng giai đoạn, nhiệm vụ cụ thể, nội dung vận động cần thiết thực hiệu quả, phù hợp với điều kiện, khả năng của họ, đi thẳng vào những vấn đề đồng bào quan tâm, lo lắng, mong đợi.

Năm là, chú trọng tranh thủ các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong đồng bào đến vận động đồng bào Khmer. Nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, các già làng, trưởng bản, chức sắc đứng ra vận động cơ hội thành công rất lớn, đồng bào tự giác chấp hành nghiêm và hăng hái làm theo. Đây là kinh nghiệm quý trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng.

Sáu là, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trong công tác vận động đồng bào Khmer. Kinh nghiệm thấy rằng nơi nào có sự giúp sức kịp thời của cấp trên thì tình hình nơi đó ổn định, phát triển. Do đó, vai trò tham mưu của cấp ủy cấp dưới và sự quan tâm của cấp ủy cấp trên sẽ góp phần vào thắng lợi trong công tác vận động đồng bào dân tộc Khmer.

TS. Hứa Khánh Vy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN