Thứ Bảy, 18/5/2024

Lạng Sơn: Kết quả bước đầu trong thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Kế hoạch số 70/KH-MTTW-BTT ngày 22/4/2015 của Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam năm 2015; trên cơ sở thực tế địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì họp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh bàn, thống nhất lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát chương trình phối hợp công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo. Được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, sau khi thống nhất với UBND tỉnh, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn cho 280 đại biểu là lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, cán bộ chuyên trách MTTQ tỉnh, MTTQ huyện, và 226/226 đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã trên địa bàn tỉnh để tiếp tục quán triệt, triển khai Quyết định 217, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương tới cán bộ làm công tác mặt trận từ tỉnh đến cơ sở.

Năm 2015, MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức: tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chủ trì, phối hợp giám sát tình hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát về quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên cơ sở thực tế, đoàn giám sát của MTTQ tỉnh đã có 29 ý kiến kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng về các vấn đề có liên quan. MTTQ tỉnh cũng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức giám sát được 14 cuộc về các lĩnh vực như giám sát việc thực hiện Luật hôn nhân và gia đình; việc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; việc thực hiện quyết định 289-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Có thể điểm lại một số hoạt động giám sát có hiệu quả như sau:

Trong giám sát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát do MTTQ tỉnh chủ trì đã tiến hành giám sát tại hai đơn vị cấp xã và hai khu dân cư. Đoàn đã ghi nhận những kết quả các đơn vị được giám sát đạt được đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Chưa thực hiện nghiêm và đầy đủ các hình thức công khai theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh 34, các văn bản đã niêm yết chưa được bảo quản tốt, một số cán bộ và nhân dân chưa hiểu rõ về Pháp lệnh thực hiện dân chủ, dẫn tới việc chấp hành và thực hiện chưa tốt quyền, nghĩa vụ  của mình... Kết thúc đợt giám sát, Đoàn giám sát đã có 14 ý kiến, kiến nghị, đề xuất đối với các đơn vị được giám sát và các cơ quan có liên quan.

Trong giám sát quy trình điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đoàn giám sát do MTTQ tỉnh chủ trì đã tiến hành giám sát tại Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Đình Lập, huyện Bắc Sơn và 2 đơn vị cấp xã trực thuộc. Bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt các nội dung về quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các văn bản có liên quan đến thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững chưa thường xuyên, liên tục; các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã, huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa bám sát địa bàn được phân công phụ trách; trình độ, nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của việc thoát nghèo còn hạn chế, tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của Nhà nước phổ biến... Kết thúc đợt giám sát, Đoàn giám sát đã có 15 ý kiến, kiến nghị, đề xuất đối với các đơn vị được giám sát và các cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ trì giám sát việc thực hiện Luật hôn nhân và gia đình, tại huyện Hữu Lũng, huyện Tràng Định, thành phố Lạng Sơn và 3 đơn vị cấp xã. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chủ trì giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp tại UBND xã Gia Cát và UBND huyện Cao Lộc. Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại 7 đơn vị. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giám sát việc thực hiện quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Huyện ủy Bắc Sơn, Huyện ủy Văn Quan, Huyện ủy Văn Lãng và Đảng ủy 3 đơn vị.

Nhìn chung công tác giám sát được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, quy định tại Quyết định 217/QĐ-TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, qua giám sát đã ghi nhận những kết quả các đơn vị được giám sát đã đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân và đưa ra các ý kiến, kiến nghị đối với các cơ quan chức năng để khắc phục. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan chức năng xây dựng, triển khai các hoạt động giám sát đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đảm bảo đúng quy trình, kế hoạch đã đề ra, đảm bảo các nội dung giám sát không bị chồng chéo, có sự phân công, thống nhất chặt chẽ; các sở, ngành, các cơ quan có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cơ sở đã tích cực phối hợp có trách nhiệm, tạo điều kiện cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong việc đảm bảo các điều kiện và cùng tham gia các hoạt động giám sát có liên quan. Các ý kiến kiến nghị qua giám sát đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp kiến nghị tại kỳ họp HĐND tỉnh, đã được chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát mới được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thực hiện, do đó việc phối hợp triển khai thực hiện đôi khi còn chưa đảm bảo thời gian so với kế hoạch; tổ chức bộ máy và nhân sự của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay còn thiếu và yếu; sau Đại hội Đảng các cấp, đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể biến động lớn (cán bộ Mặt trận ở cơ sở thay mới tới 50%); các điều kiện về thông tin, phương tiện, tài chính dành cho hoạt động giám sát còn khó khăn, do vậy ảnh hưởng tới kết quả của hoạt động giám sát.

Tin tưởng rằng với những kinh nghiệm đã đạt được, trong thời gian tới, dưới sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Nguyễn Đăng Hùng
Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN