Thứ Hai, 29/4/2024
Thừa Thiên Huế: Hội thảo cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
 
Quang cảnh Hội thảo 

 

Dự Hội thảo có các đồng chí: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh; Võ Văn Vui, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phong Điền.

Thời gian qua, việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và trên địa bàn huyện Phong Điền nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân là động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương ngày càng tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nền nếp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia giám sát nhiều nội dung nhân dân quan tâm; thường xuyên chú trọng triển khai thực hiện việc tham gia góp ý xây dựng chính quyền định kỳ, đột xuất đối với cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận về những nội dung trong quá trình triển khai thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại các địa phương trong thời gian qua như: Thực trạng danh mục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc cụ thể hóa các danh mục trên địa bàn xã; công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực trạng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong thực hiện chức năng giám sát. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả và các giải pháp để thực hiện tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, thể chế hóa, phát huy phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực tiễn đời sống xã hội là vấn đề cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi hiện nay. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là phát huy dân chủ ở cơ sở, đạt kết quả tích cực. Phương châm đã góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị, cần cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên các địa bàn, mỗi địa bàn khác nhau cụ thể hóa vấn đề khác nhau. Điều quan trọng, sau Hội thảo tổng hợp các ý kiến tham gia, làm cơ sở ban đầu nghiên cứu ban hành bộ danh mục cần công khai các vấn đề dân biết trên phạm vi toàn tỉnh, từng bước bổ sung và hoàn chỉnh bộ danh mục. Chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lấy sự hài lòng người dân làm thước đo của hiệu quả công việc.

Thông qua Hội thảo, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có cơ sở để đánh giá và đề ra những giải pháp, định hướng triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời, xây dựng danh mục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyên Phương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất