Thứ Hai, 29/4/2024
Thanh Hóa: Tọa đàm kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, 50 năm thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy
 
Toàn cảnh buổi tọa đàm. 


Dự tọa đàm có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy qua các thời kỳ; cán bộ, công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy và các điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh giai đoạn 2021-2023.

Diễn văn ôn lại truyền thống 93 năm ra đời và phát triển ngành Dân vận của Đảng, 50 năm thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy do Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy trình bày, nêu rõ: Cách đây 93 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến 31/10/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng, Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng.

Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: Trong các Đảng bộ phải tổ chức các ban chuyên môn về các giới vận động như: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế. Từ đó, ghi dấu ngày ra đời công tác dân vận của Đảng, mở ra một trang mới, một mốc son trong sự nghiệp công tác dân vận.

Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng”.

Trải qua 93 năm, với quan điểm xuyên suốt “sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trong quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác vận động quần chúng có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và sự cần thiết có một cơ quan tham mưu về công tác vận động quần chúng. Ngày 26/6/1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy. Đây là sự kiện đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình hình thành và phát triển công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh và hệ thống dân vận các cấp.

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, công tác dân vận của tỉnh đã có sự đổi mới theo hướng hướng đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, không để phát sinh thành điểm nóng, giữ vững ổn định tình hình cơ sở, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Từ kết quả của các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực.

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác dân vận, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham luận làm rõ vai trò, đóng góp của ngành dân vận đối với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua. Đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận, nhằm đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, hệ thống dân vận các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua; biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023.

Ôn lại truyền thống 93 năm công tác dân vận của Đảng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công viên nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Qua đó, đồng chí khẳng định vai trò, vị trí to lớn của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng.

 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
 trao Giấy khen của Ban Dân vận Tỉnh ủy cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong
 phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2023.
 

 

Để công tác dân vận tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kết luận số 43-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với công tác dân vận, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo và vai trò làm chủ của nhân dân để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo thực hiện tốt Kết luận số 610-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận các cấp cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phong trào do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, gần dân, sâu sát cơ sở, thực sự là những cán bộ “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay.

(baothanhhoa.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất