Thứ Hai, 29/4/2024
Tăng Thành - 70 năm đổi mới và phát triển

 Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân xã Tăng Thành ra quân làm thủy lợi, xây dựng nông thôn mới

Xã Tăng Thành nằm ở phía Tây Nam trung tâm huyện, tiếp giáp với thị trấn Yên Thành. Có diện tích tự nhiên 822,37 ha (số liệu năm 2019), trong đó: đất nông nghiệp 227,7 ha; đất lâm nghiệp 152,52 ha, đất phi nông nghiệp 208,21 ha; hình thành 03 vùng: Vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng chiêm trũng.

Dân số 7.249 người. Đảng bộ có 303 đảng viên, sinh hoạt ở 11 chi bộ. Tăng Thành là vùng đất có truyền thống văn hiến lâu đời, dũng cảm, kiên cường, hiền lành, chịu khó, cần cù, thông minh và sáng tạo. Là địa danh có trầm tích chùa Thông nổi tiếng từ thời nhà Lý. Là một trong những cái nôi của tuồng cổ xứ Nghệ và nhiều năm liền là điểm chỉ đạo nông nghiệp của tỉnh, của huyện.

Trước năm 1952, nơi đây còn chiếm một diện tích núi rừng khá lớn, có nhiều loài gỗ quý như: Lim, táu, trắc, gụ, sến, dỗi, nhiều loài cây ăn quả, cây làm thuốc và thảm thực vật rất phong phú. Nhiều loài thú rừng quý hiếm như: Hổ, báo, hươu, nai, hoẵng, khỉ, lợn rừng, kỳ đà. Các loài chim như: Đại bàng, cò, vạc, vẹt, sáo cùng nhiều loài sinh sống và trú ngụ. 

Đời sống văn hoá và phong trào hiếu học xuất hiện sớm, nhiều cụ tú đỗ đạt về dạy học trong làng xã và họ tộc. Đội tuồng cổ của làng đi biểu diễn và truyền bá khắp nơi trong huyện và tỉnh, như: Thanh Chương, Diễn Châu, Vinh, Quỳnh Lưu, Đô Lương, đến nay, vẫn còn dư âm về nghệ thuật tuồng làng Kẻ Gám.

Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tuy có một số ngành nghề nhưng còn đơn lẻ, như: chăn nuôi vịt, nuôi tằm, trồng bông dệt vải, thợ rèn, thợ mộc, khai thác gỗ, đá làm vật liệu, nung lò vôi, tráng bánh mướt, gói bánh chưng... Điều kiện thời tiết không thuận lợi, một năm, 4 mùa, quay vòng: Mưa dầm, nắng hạn, bão lũ, giá rét; các loại giống cây, con kém năng suất. Trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân gặp khó khăn; hộ nghèo, đói, mù chữ chiếm tỷ lệ cao.

Bước sang giai đoạn 1953 - 1964, là sự khởi đầu thiết lập và vận hành của một đơn vị hành chính cấp xã. Từ đây, mở ra một thế trận mới trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước ở nông thôn Tăng Thành. Các thế hệ lãnh đạo xã tiến hành thành lập, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức cho nhân dân đón tiếp một số cán bộ miền Nam tập kết. Vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương 3 ngọn cờ hồng(1), xây dựng, chỉnh trang và đổi mới quê hương.

Điểm nỗi bật giai đoạn này là thực hiện khẩu hiệu toàn dân học tập, xoá mù chữ, nâng cao dân trí. Tập trung khai hoang, quét hoá, phát triển nông nghiệp, quy hoạch, cải tạo ruộng đồng. Hằng chục hécta đất vùng đồi thấp và vùng trũng được khai hoang, khai hoá; ruộng, vườn, bờ vùng, bờ thửa được cải tạo, quy hoạch. Một số công trình thủy lợi hồ, đập, đưa vào sử dụng. Năng suất lúa, cây trồng được nâng lên. Trạm y tế, các trường học, lớp học được xây dựng mới. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện, trở thành điểm sáng của tỉnh, huyện, được Bộ Nông nghiệp cử đoàn cán bộ về trực tiếp khảo sát và chỉ đạo nông nghiệp(2).

Giai đoạn 1965 - 1986, là những năm, thực hiện chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xã Tăng Thành nằm trên 5 tuyến đường giao thông, trong đó, có 3 tuyến chiến lược quan trọng; đồng thời, là điểm dừng chân “ngày nghỉ đêm đi” của binh trạm đoàn xe vận tải quân sự và binh trạm bộ binh trong một thời gian dài. Là nơi có nhiều đơn vị của tỉnh sơ tán về đóng trên địa bàn. Là xã có 4 địa điểm quan trọng, bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Phát huy truyền thống anh hùng và với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, lớp lớp thanh niên Tăng Thành đã viết đơn bằng máu, đơn tình nguyện, xung phong lên đường đánh Mỹ.

Ở hậu phương, tinh thần nồng nàn yêu nước được nhân lên gấp bội. Sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là tốp dẫn đầu của huyện và là điểm chỉ đạo của tỉnh và huyện trong nhiều năm liên tục. Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975), vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, san lấp hố bom, phòng chống thiên tai, bão lũ; vừa đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp, xây dựng nông thôn, trạm y tế, trường học mới khang trang hơn. Toàn xã đã tập trung di chuyển hàng chục hộ dân từ bản làng truyền thống, lên lập nghiệp khu vực sườn đồi, mở ra tầm nhìn mới, lâu dài cho phát triển kinh tế, xã hội của xã nhà.

Giai đoạn 1986 - 2023, Đảng bộ xã đã thường xuyên quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới, các chủ trương của Đảng, tổ chức thực hiện nghiêm túc và sát thực tế về các chương trình, chính sách của Nhà nước, tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, tăng cường đoàn kết, đổi mới, sáng tạo. Đảng bộ và nhân dân xã Tăng Thành đã lập được nhiều thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xã. Dấu ấn nỗi bật nhất của giai đoạn này là đã phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới (2015), về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (2021 - về đích trước gần 4 năm so với kế hoạch) và hiện nay đã có văn bản trình cấp trên xem xét công nhận về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hoá năm 2022.

Thực hiện sự nghiệp đổi mới và để sớm thâm nhập với nền kinh tế thị trường, những năm 1986 - 2008, lãnh đạo xã đã quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế hộ, kinh tế tư nhân. Bên cạnh tiếp tục đưa nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đã thúc đẩy nhiều mô hình khởi nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành nhiều trang trại, gia trại; phát triển chăn nuôi, mở rộng đa ngành nghề. Hằng trăm hộ vay vốn khởi nghiệp, đầy tư mở rộng sản xuất kinh doanh, như: Mua sắm máy móc nâng cấp nghề mộc, nghề xây dựng, sửa chữa xe máy; mua sắm các loại máy liên hợp, máy chuyên dùng và trang thiết bị phục vụ nông nghiệp. Nhiều hộ mua sắm ô tô vận chuyển khách và hàng hoá; phát triển lâm nghiệp và khai thác đất đồi, cát, đá, sỏi; nuôi dê, ong, rắn, ba ba, cá, vịt… góp phần tạo ra nhiều hàng hoá, phong phú, đa dạng cung cấp cho thị trường, nâng cao thu nhập.

Từ năm 2009 đến nay, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó, sớm đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn vào cuộc sống; Đảng bộ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động. Nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nghị quyết. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, chủ động và sáng tạo, làm gương trước nhân dân; với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo, mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, khơi dậy sức dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh và trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần, cũng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân xã Tăng Thành đạt được trong nhưng năm gần đây, cụ thể như: Làm mới, nâng cấp trên 10km đường bê tông, đường nhựa; kiên cố hóa 5km kênh mương. Hơn 11km đường trồng cây xanh, trồng hoa; 21,196km tuyến đường nông thôn có điện chiếu sáng (chiếm 89,06 %). Xây dựng hệ thống truyền thanh hữu tuyến và hệ thu FM chuyên dụng, lắp đặt 12 cụm loa, 24 chiếc loa truyền thông. Xây dựng mới 11 nhà văn hoá thôn, xóm; diện tích của mỗi một nhà, sân và vườn là 5.000m2 khang trang. Xây dựng mới hội trường, tu sửa trụ sở làm việc, xây dựng sân vận động hơn 10.600m2, trong đó, có 400m2 sân cỏ nhân tạo, bảo đảm cho các hoạt động thi đấu, giao lưu thể thao và các hoạt động văn hoá, lễ hội của xã.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, bóng chuyền, bóng đá, dân ca, dân vũ,các loại hình câu lạc bộ, câu lạc bộ ‘‘xây dựng gia đình phát triển bền vững” hoạt động sôi nổi và đều khắp các thôn xóm, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Đặc biệt khôi phục đội tuồng cổ và dàn dựng một số vở tuồng biểu diễn, phục vụ nhân dân trong xã và huyện. Các phong tục, tập quán văn hoá truyền thống, ma chay, cưới hỏi, lễ hội đã được điều chỉnh phù hợp với thời kỳ mới. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90,9%; khu dân cư văn hóa đạt chuẩn liên tục từ 6 năm trở lên đạt 85,7%. Năm 2022, có 7/7 thôn, xóm đạt chuẩn thôn văn hóa. Đến cuối năm 2022, xã đã đạt 6 tiêu chí theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về văn hoá.

Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Trong năm học, có nhiều học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập. Một số học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Đặc biệt có em thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 đạt điểm cao, thuộc tốp đứng đầu cả nước và là thủ khoa cấp tỉnh của khối chuyên ngành vào trường đại học.

Lãnh đạo xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình thâm canh giống lúa có năng suất chất lượng cao, mô hình vườn mẫu, nhà lưới; mô hình đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi; nâng cấp chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP. Thành lập và phát triển các tổ, đội, hội ngành nghề, dịch vụ, chăn nuôi, nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm về đầu tư sản xuất kinh doanh, xử lý sâu bọ, bảo quản sản phầm và liên kết bao tiêu, mở rộng thị trường. Phối hợp với các ngành, các công ty, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động nông thôn từ 3 tháng trở lên, được cấp chứng chỉ hành nghề và đã có 3.481/4.018 lao động có việc làm ổn định. Toàn xã hiện có 10 công ty, doanh nghiệp, hơn 360 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, cơ sở.

Phát huy vai trò của HTX nông nghiệp, các tổ tín dụng, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc vay vốn, mạnh dạn đầu tư, triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế, giảm nghèo có hiệu quả, được nhân dân ghi nhận. Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 chỉ còn khoảng 3%. Sản lượng lương thực có hạt đạt khá: Năm 2021 là 2.981,6 tấn, năm 2022 là: 2.894,67 tấn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 66 triệu đồng. Các hộ gia đình chính sách, người có công, có mức sống ổn định và cao hơn mức trung bình của người dân trong xã.

Kết quả huy động các nguồn lực xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2021 đến nay: Tổng kinh phí đã thực hiện: 208,009 tỷ đồng, trong đó: các doanh nghiệp hỗ trợ: 2,8 tỷ đồng (chiếm 1,4 %).Nguồn lực từ nhân dân đóng góp: 120,629 tỷ đồng (chiếm 57,97 %).

Hiện nay, lãnh đạo xã quan tâm chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “thôn, xóm thông minh”, đã đạt được kết quả như sau: Xây dựng trong thôn 9 nhóm sử dụng mạng công nghệ thông qua Zalo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, các chi đoàn, chi hội, các hộ gia đình, các cá nhân có điện thoại thông minh đều được kết nối và trao đổi thông tin trên hệ thống mạng. Thu hút 100% gia đình và có 135 hộ/337 hộ lắp đặt hệ thống Camera giám sát tại gia đình (đạt tỷ lệ 40,06%). Có 45/337 hộ gia đình được gắn mã địa chỉ số trên nền tảng bản đồ số và đang tiến hành gắn mã địa chỉ cho các hộ dân còn lại. Đã có 576/802 (đạt 72%) người trưởng thành trong thôn sử dụng điện thoại thông minh. Cán bộ Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm hướng dẫn các kỹ năng, thao tác cài đặt, sử dụng các phần mềm, nền tảng số. Đến nay, nhiều hộ dân, người dân đã sử dụng phần mềm ứng dụng vào Bảo hiểm xã hội số VISSD, thanh toán tiền dịch vụ và mua bán trên không gian mạng, giảm bớt mua bán bằng tiền mặt.


 Đường làng, ngõ xóm xã Tăng Thành phong quang sạch sẽ

Công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị được đảng bộ quán triệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát  và quan tâm chỉ đạo từ xã đến đội ngũ cán bộ thôn, xóm và đảng viên, đoàn viên, hội viên. Nhiều năm liên tục Đảng bộ đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh, MTTQ và các đoàn thể được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao về những đổi mới, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, thôn, xóm. Năm 2022 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn đầu các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đảng bộ đạt danh hiệu Đảng bộ xuất sắc tiêu biểu, MTTQ, các đoàn thể đều đạt danh hiệu xuất sắc và được tặng bằng khen của tỉnh, giấy khen của huyện.

Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tăng Thành đang tích cực phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra.

Để đạt được những bước tiến quan trọng nên trên và phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong những năm tới, theo đồng chí Lê Mạnh Giám – Bí thư Đảng uỷ xã Tăng Thành chính là nhờ: Thường xuyên mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thống nhất cao trong nhận thức, ý chí và hành động từ trong Đảng, chính quyền đến nhân dân. Luôn phát huy và đề cao vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân. Tăng cường đoàn kết, đổi mới công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Huy động trí tuệ, trách nhiệm, tình cảm của mọi người dân; sự gương mẫu của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn, xóm. Đạt được thành tích như hôm nay, đó cũng chính là cả một quá trình phấn đấu đầy gian khổ, hy sinh của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân của xã trong 70 năm qua. Đồng thời, là sự quan tâm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn kịp thời của lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp trên, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh, trên cả nước đối với sự phát triển của xã nhà...

"Nguồn lực, trí tuệ, sự sáng tạo trong dân là rất lớn. Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của xã sẽ luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm, sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chức trách, nhiệm vụ được giao; thường xuyên củng cố niềm tin, sự đồng thuận cao của nhân dân, để nhân dân tích cực tham gia, ủng hộ các chủ trương của xã" - Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tăng Thành khẳng định quyết tâm với chúng tôi.

Tạm biệt xã Tăng Thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của mọi người dân nơi đây, trong lòng chúng tôi cũng rất đỗi tự hào với một miền quê có truyền thống lâu đời và đang bồi đắp nên những giá trị mới của cuộc sống, mà trước đây bao thế hệ người dân chưa bao giờ nghĩ tới. Hạnh phúc và phồn vinh cho nhân dân đã và đang đến từng ngày ở một miền quê đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu./.

Võ Đình Liên, Nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận Trung ương

------------------------------------ 

1. HTX nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng.

2. Bộ Nông nghiệp cử đồng chí Nguyễn Hồng Hiên làm trưởng đoàn về chỉ đạo nông nghiệp năm 1964 - 1965.

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất