Thứ Tư, 6/11/2024
Nghiệm thu đề tài khoa học về vận động phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số

TS. Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu dự và chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; một số vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học...


 Quang cảnh hội nghị nghiệm thu

Báo cáo tóm tắt của Ban Chủ nhiệm đề tài tại hội nghị cho thấy: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Đặc biệt, báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó đề cập đến “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển”. Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu 5 mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nhấn mạnh cần phải có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Cùng với đó, những năm qua công tác dân vận luôn được Đảng quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tăng cường tổ chức thực hiện, có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội nghị

Đề tài khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững”, trên cơ sở nghiên cứu làm rõ lý luận và thực tiễn về nội dung, phương thức vận động, đề xuất nhiều giải pháp đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung đề tài gồm 3 chương. Trong đó, Chương 1 đã nghiên cứu, đưa ra cơ sở lý luận, một số khái niệm, 5 đặc điểm tâm lý - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, 7 yếu tố tác động, 4 tiêu chí đánh giá… Chương 2 đi sâu phân tích về thực trạng triển khai, thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và rút ra 6 bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 2011 - 2021. Ở Chương 3, trên cơ sở dự báo tình hình thế giới và trong nước, đề tài đã đưa ra 3 nhóm giải pháp cơ bản gồm: nhóm giải pháp đổi mới nội dung, phương thức vận động; nhóm giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp phát huy vai trò của các lực lượng, cá nhân trong công tác vận động, nhằm đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021 - 2030.


 Đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu tại hội nghị 

Tại hội nghị, ý kiến của các phản biện và ủy viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, với phương pháp nghiên cứu phù hợp, kết cấu hợp lý, các tài liệu kèm theo đầy đủ, vừa mang tính thời sự vừa đảm bảo sâu sắc cả về khoa học và thực tiễn, với nhiều điểm mới, vượt thời gian quy định, trong khuôn khổ thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã tổ chức được 2 hội thảo khoa học, có 3 bài báo trên tạp chí... Bên cạnh đó, các ý kiến cũng chỉ ra những điểm chưa hợp lý, đề nghị Ban Chủ nhiệm nghiên cứu tiếp thu, điều chỉnh hợp lý để đề tài hoàn thiện hơn nữa.

Phát biểu kết luận hội nghị, TS. Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu ghi nhận đề tài là công trình khoa học có nhiều điểm mới, đi sâu nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống về lĩnh vực đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm là đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Các giải pháp của đề tài có tính thực tiễn, ứng dụng cao, nhất là tại các tỉnh, thành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan công tác dân vận, công tác dân tộc. Ban Chủ nhiệm đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, dù có hạn chế về nguồn lực và thời gian những đã triển khai thực hiện đề tài nghiêm túc, công phu, đúng quy trình, quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đồng chí Lại Xuân Môn cho rằng dựa trên kết quả của đề tài có thể tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thành đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chủ trương, chính sách phù hợp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới...


Đồng chí Lại Xuân Môn đại diện Hội đồng nghiệm thu và các đại biểu dự hội nghị chúc mừng đồng chí Phạm Tất Thắng và Ban Chủ nhiệm đề tài nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc

Kết quả, với số điểm trung bình do 7/7 thành viên Hội đồng nghiệm thu chấm là 94,9 điểm, đề tài đạt loại xuất sắc./.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất