Thứ Năm, 25/4/2024
Vĩnh Phúc: Công tác dân vận trong tình hình mới

 Các hòa giải viên của Tổ hòa giải tổ dân phố Đầu Làng, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên họp bàn, trao đổi kinh nghiệm



Thực hiện Kết luận số 60-KL/TU, ngày 8/2/2018 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, cấp ủy các cấp đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.

Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết, 8 chỉ thị, 3 quyết định, 3 thông tri và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa hơn 60 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới.

Đảng Đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của chính quyền và các cơ quan Nhà nước; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; quyết liệt chỉ đạo đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Một số huyện như Vĩnh Tường, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Yên Lạc tổ chức nhiều cuộc đối thoại chuyên đề trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, dồn thửa đổi ruộng, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

3 năm qua, các huyện, thành phố tổ chức 72 cuộc đối thoại đột xuất. Qua đối thoại đã giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, không để hình thành điểm nóng như giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình ĐT 307 - Ngọc Mỹ - Quang Sơn - quốc lộ 2C; vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình cầu Phú Hậu thuộc tuyến đường nối từ nút giao Văn Quán - cầu Phú Hậu - quốc lộ 2A - Việt Trì...

Ủy ban MTTQ các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp với chính quyền, thống nhất hành động với các tổ chức thành viên thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân; tích cực phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri; phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chủ động điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị cơ bản bảo đảm dân chủ; thường xuyên lắng nghe, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia góp ý kiến vào thực hiện chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của mình; xây dựng nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, các biện pháp cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Cán bộ, CCVC tận tình hướng dẫn và giải quyết kịp thời công việc theo quy định; không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực hiện tốt, có chuyển biến tích cực về nhận thức và việc làm cụ thể.

Cấp ủy, chính quyền cấp xã tạo mọi điều kiện để nhân dân bàn, quyết định các công việc nội bộ của nhân dân bằng các hình thức họp dân, họp tổ liên gia tự quản, phát phiếu đến hộ gia đình để lấy ý kiến, qua đó tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, huy động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.

Điển hình như các phong trào "Toàn dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư", "Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới"…

Để không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần xác định rõ, công tác dân vận là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, cụ thể với cách làm sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Duy trì nền nếp việc cấp ủy dự sinh hoạt chi bộ cơ sở và đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Chú trọng thực hiện đối thoại, tiếp xúc chuyên đề, chuyên sâu về các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, quy định… của Đảng về công tác dân vận.

Thúy Hường

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất