Thứ Hai, 20/5/2024

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) các tỉnh, thành khu vực phía Bắc

Để bước đầu đánh giá tình hình, kết quả tổ chức thực hiện các Quyết định quan trọng này trên phạm vi cả nước, tiếp sau Hội nghị trao đổi kinh nghiệm của các tỉnh, thành khu vực phía Nam (được tổ chức ngày 10/8/2016 tại tỉnh Đồng Nai), ngày 19/8/2016, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm của các tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Tham dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện: Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Ban Dân vận các đảng ủy trực thuộc Trung ương; Ban Dân vận tỉnh, thành ủy và một số tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Ban Dân vận các huyện, thành, thị ủy tỉnh Quảng Ninh.

Sau báo cáo đề dẫn của Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; nhất là, chỉ rõ và phân tích nguyên nhân những vướng mắc, tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả thực hiện các Quyết định 217, 218 trong thời gian tới.

Những kết quả nổi bật

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của các Quyết định 217, 218, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương đã khẩn trương ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện; các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách bài bản, đồng bộ: từ tổ chức tuyên truyền, mở hội nghị quán triệt đến ban hành một hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, sơ kết. Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động, thể hiện rõ vai trò tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện.

Nội dung giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến ngày càng có chiều sâu, gắn với cuộc sống thiết thực của người dân, những vấn đề người dân quan tâm, vấn đề “nóng” trong đời sống xã hội; qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chính sách, pháp luật được hoàn thiện dần và vận hành có hiệu quả trong cuộc sống.

Một số hoạt động giám sát, phản biện xã hội nổi bật của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện thời gian qua là: giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng; thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ, cán bộ Đoàn; thực hiện Bộ luật Lao động, các chính sách an sinh xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp, hỗ trợ tái định cư; thu, chi trong xây dựng nông thôn mới; các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương…

Thông qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền góp phần phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường trách nhiệm và đồng thuận xã hội; phát huy vai trò, vị trí và nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Trong quá trình tổ chức thực hiện các Quyết định 217, 218, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai một cách bài bản, nền nếp và có những sáng tạo phù hợp đặc thù, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Các hoạt động tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ngày càng thực chất, hiệu quả. Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân được quy định và thực hiện bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, tổ chức công đoàn đã bám sát chức năng, nhiệm vụ để quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện. Các cấp công đoàn luôn chú trọng đến mục đích và hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội; đổi mới các hình thức tổ chức hoạt động, tăng cường đối thoại, thương lượng, đàm phán với người lao động giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của người lao động tại các doanh nghiệp, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường hoạt động kinh doanh thân thiện, thu hút đầu tư phát triển.

Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét; chỉ đạo chính quyền các cấp nghiêm túc tiếp thu ý kiến của nhân dân; chỉ đạo quyết liệt khâu đột phá là công tác cải cách hành chính đi đôi với nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức tốt việc đối thoại với nhân dân, đáng chú ý là, có trên 90% ý kiến tại các hội nghị đối thoại các cấp được người đứng đầu giải quyết ngay tại hội nghị.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện mọi mặt để Mặt trận, các đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm, bảo đảm tính tương tác, hiệu quả trong 7 chương trình giám sát, phản biện được ban hành. Tích cực đối thoại, lắng nghe kiến nghị, hiến kế của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách, dự án của tỉnh trong quá trình phát triển bền vững, chuyển từ ”nâu” sang ”xanh”.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện quy chế, cơ chế đối thoại của chính quyền với nhân dân; kế hoạch khảo sát và lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh... Đối với công tác giám sát, tỉnh đã tổ chức làm điểm 3 đoàn giám sát, đánh giá rút kinh nghiệm rồi chính thức triển khai ở các cấp.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm về bản lĩnh trong giám sát, phản biện xã hội, đó là phải vì lợi ích của cộng đồng, của hội viên, nông dân; tự tin nói lên sự thật, bảo vệ sự thật, có chính kiến rõ ràng trước đúng, sai và hướng vào cái mới, cái phát triển để phản biện. Phải hiểu rõ, hiểu sâu công tác giám sát, phản biện xã hội, nếu không, mọi việc làm chỉ là hình thức, thành công là ”nửa vời”.

Những hạn chế, bất cập và kiến nghị, đề xuất

Những kết quả ban đầu trong thực hiện các Quyết định 217, 218 là rất đáng ghi nhận, bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn đánh giá còn không ít hạn chế, vướng mắc cần sớm được xem xét giải quyết. Đó là, việc triển khai các Quyết định ở nhiều nơi còn chậm, lúng túng, chưa thực sự bám sát văn bản chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Giám sát, phản biện xã hội là một công việc mới, việc khó, nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, lĩnh vực rộng, vì vậy, một số nơi còn có tâm lý e dè, thiếu bản lĩnh. Năng lực, trình độ, nhất là kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội của đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể có phần hạn chế, bất cập; cùng với đó là việc chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin, tạo điều kiện đối với nội dung, lĩnh vực cần giám sát, phản biện. Việc phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Chưa tập trung giám sát đột xuất các vụ việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Việc xử lý, giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa triệt để, chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện. Điều kiện vật chất và kinh phí cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội còn khó khăn.

Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân còn nặng về giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, chưa thực sự phát huy tính tích cực của nhân dân, huy động được ý kiến nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị trong thời gian tới, các đại biểu đưa ra một số kiến nghị và giải pháp, như: Trung ương đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các Quyết định. Tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến, quán triệt nội dung các Quyết định, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, như sớm ban hành nghị quyết liên tịch hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động giám sát, phản biện xã hội; đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ trong công tác này.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần nghiêm túc tiếp thu  ý kiến góp ý, xây dựng của Mặt trận và các đoàn thể.

Đẩy mạnh thực hiện các Quyết định 217, 218

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Quyết định 217, 218 được Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, quá trình phát triển của xã hội, của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân theo hiến định, 2 cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện được thể chế hóa ngày càng hoàn thiện và phát huy tốt hơn. Các cơ chế này cần được quan tâm vận hành thông suốt, thể hiện rõ vai trò của nhân dân trong thực hành, phát huy dân chủ và mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Ghi nhận, tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Quyết định 217, 218. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải huy động được các lực lượng, nhất là có sự tham gia của người dân; chăm lo giải quyết những vấn đề của người dân, nói lên tiếng nói của người dân. Đó là những yếu tố hết sức sâu sa, quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Phương Thủy

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN