Thứ Hai, 20/5/2024

Hòa Bình: Mô hình “Đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quản lý và sử dụng đất”

Tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp, hướng dẫn chính quyền xã đã áp dụng nguyên tắc FPIC gồm 6 - 7 bước: Hội nghị lần 1, phân tích thực trạng, đánh giá tiềm năng; Khảo sát tình hình thực tế về nhu cầu của người dân; Hội nghị mở rộng lần 2, họp thống nhất kết quả khảo sát, cam kết đổi đất, thống nhất phương án; Họp đại diện cử tri, góp ý cho các báo cáo khảo sát và kế hoạch tiếp theo; Chính quyền xã thống nhất và ra quyết định, triển khai thực hiện công trình, dự án sau khi nhận được biên bản thống nhất kế hoạch sau cuộc họp với cử tri; Hội nghị toàn thôn; Giám sát và nghiệm thu công trình.

Thực hiện nguyên tắc FPIC, người dân được biết trước thông tin, được bàn bạc, thống nhất, nhờ đó đã huy động được sự tham gia của 26 hộ dân có đất và tài sản trên diện tích 3,6ha đất đang trồng cây lúa, cây lâm nghiệp, đất khác... đồng tình với chính quyền xã trong việc thu, đổi, bồi thường bàn giao giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng tại 2 thôn Đồng Riệc và Đồng Nội. Trong suốt quá trình thực hiện không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tại xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã thúc đẩy, hỗ trợ chính quyền xã phối hợp với người dân khảo sát, phân tích hiện trạng, nhu cầu của người dân, thảo luận thống nhất hài hòa lợi ích của người dân với chính quyền trong việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang của xã.

Tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, để người dân đồng thuận trong việc quản lý sử dụng diện tích 12,4 ha đất 5%, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ, thúc đẩy chính quyền thông báo công khai, rộng rãi cho người dân kế hoạch đấu thầu, chủ trương đấu thầu, đối tượng, tiêu chí tham gia, cách thức đấu thầu, phương án, hồ sơ, đối tượng ưu tiên; quy trình đấu thầu; công bố công khai người trúng thầu... Do đó đã tạo được sự tin tưởng của người dân với chính quyền, không để xảy ra tình trạng khiếu nại như trước đây.

Tại xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, do nguồn kinh phí hạn chế nên nhiều năm đường giao thông nội đồng tại 3 thôn do dự án PISAT (Dự án phát triển nông nghiệp) đầu tư không thực hiện được. Sau khi triển khai mô hình FPIC, người dân đã tự nguyện hiến công, hiến đất mở rộng đường, hoàn thành con đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 443m, làm thêm 2 hệ thống cống thoát nước với tổng chiều dài 500m.

Từ việc triển khai điểm ở 4 xã, cho thấy, mô hình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mô hình giúp chính quyền và người dân có kiến thức và cách hiểu chung nhất về đồng thuận trong giám sát và quản lý đất. Chính quyền địa phương và người dân đã ký cam kết thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình và mong muốn được áp dụng quy trình đồng thuận sang các lĩnh vực khác. Đồng thời, thiết lập được mối quan hệ hiểu biết, chia sẻ giữa chính quyền và người dân và các bên liên quan. Các bên đã xác định được rõ lợi ích khi thực hiện cam kết đồng thuận trong giám sát quản lý và sử dụng đất. Người dân đã hài lòng về quyền tham gia giám sát của mình, đồng lòng với các quyết định của chính quyền địa phương. Các cấp hội thấy được vai trò, trách nhiệm và người dân mong muốn thực hiện đồng thuận.

Với những kết quả cụ thể trên, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện mô hình “Đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quản lý và sử dụng đất” với các sở, ban, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai để bổ sung, hoàn thiện, báo cáo kết quả với Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh. Do đó, ngày 27/1/2016, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đã quyết định ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ triển khai nhân rộng mô hình đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quản lý và sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh, đã có 10/11 huyện ủy, thành ủy ban hành kế hoạch triển khai, nhân rộng mô hình này gắn với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.  Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 2299/QĐ-UBND, ngày 28/11/2011 về việc Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nông thôn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2011 - 2020”; Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp đối với Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Thành công của mô hình tuy mới chỉ là bước đầu, song mô hình này đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giúp chính quyền các xã triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân một cách thuận lợi. Điều đó một lần nữa khẳng định việc lắng nghe ý kiến nhân dân một cách nghiêm túc, chân thành và lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân để đề ra các giải pháp hợp lòng dân chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện hiệu quả.

Mạnh Khương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN