Thứ Hai, 20/5/2024

Những kết quả bước đầu thực hiện các Quyết định số 217 và 218 của Bộ  Chính trị (khóa XI) ở Thanh Hóa

Đối với việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, hằng năm, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp  trong tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, PBXH, báo cáo cấp ủy phê duyệt, thống nhất với chính quyền và hướng dẫn thực hiện. Hầu hết các đơn vị đều tổ chức giám sát, PBXH ít nhất một việc trở lên, đến nay đã có trên 2.500 cuộc giám sát, xác minh 174 vụ việc; giám sát gần 6.000 công trình, dự án. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ chính sách đối với người khuyết tật, người có công; việc thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ tại các doanh nghiệp; thực hiện Pháp lệnh Cựu chiến binh; thực hiện Nghị định số 56 của Chính phủ quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý nhà nước; việc thực hiện pháp luật trong thi hành án dân sự tại các Chi cục thi hành án; giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021... Tổ chức 461 hội nghị PBXH, có  24.456 người tham dự với 6.442 ý kiến phản biện vào dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng các cấp; dự thảo quyết định của UBND tỉnh về việc điều chỉnh giá bán nước sinh hoạt; dự thảo phương án sửa đổi, bổ sung một số loại phí và lệ phí; tham gia góp ý vào việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chương trình xây dựng nông thôn mới; phản biện các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa phương, đơn vị. Tổ chức 5.753 hội nghị với 468.461 người tham dự, đóng góp 31.972 ý kiến vào các dự thảo luật của Quốc hội...

Qua hoạt động giám sát, PBXH, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan xử lý 641 vụ việc, 432 công trình có dấu hiệu vi phạm; dừng và thu hồi trợ cấp 33 trường hợp hưởng sai chế độ thương binh, 3 trường hợp hưởng sai chế độ bị nhiễm chất độc hóa học, 52 trường hợp hưởng sai chế độ trợ cấp cho đối tượng Thanh niên xung phong, 20 trường hợp thân nhân người có công hưởng sai chế độ. Kiến nghị chính quyền các cấp tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn; giải quyết tốt các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh; phân bổ kịp thời hơn 1.260 tỷ đồng bằng vốn ngân sách để giải quyết nợ chưa thanh toán cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng công trình của nhà nước. Rà soát, phân loại và giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp (theo số liệu báo cáo, 6 tháng đầu năm 2016 đã thu được 13 tỷ/17 tỷ của 340 đơn vị hành chính sự nghiệp và 38 tỷ/150,8 tỷ của 1.083 doanh nghiệp). Kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu, huy động quá sức dân, xây dựng công trình khi chưa xác định được nguồn vốn thanh toán làm phát sinh nợ trong xây dựng nông thôn mới. Nắm chắc tình hình nhân dân và tham mưu giải quyết một số vụ việc phức tạp, nổi cộm ở cơ sở, điển hình như: Việc đình công, ngưng việc tập thể trái pháp luật ở một số doanh nghiệp FDI; việc khiếu kiện tập thể, đông người của ngư dân thị xã Sầm Sơn về thực hiện dự án cải tạo cảnh quan kiến trúc, khuôn viên ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn; khiếu kiện của nhân dân thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hóa về việc công ty Cường Phát sản xuất phân bón gây ô nhiễm môi trường...

Đối với việc thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức góp ý thường xuyên, định kỳ và góp ý đột xuất vào các văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyền; góp ý bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản vào dự thảo báo cáo tổng kết năm, tổng kết nhiệm kỳ; chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; góp ý cho tổ chức đảng, đảng viên thực hiện khắc phục sửa chữa khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình... Tổ chức cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại trực tiếp với hội viên, đoàn viên và nhân dân; tổng hợp và các ý kiến, kiến nghị phản ánh của nhân dân, công nhân viên chức lao động thông qua các hình thức đối thoại trực tiếp, tiếp công dân, đường dây nóng, hộp thư góp ý để giải quyết kịp thời các nội dung, các vấn đề mà nhân dân, cử tri đang quan tâm, bức xúc ở cơ sở. Hằng năm, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tiếp gần 10.000 lượt công dân, tham gia giải quyết gần 2.000 đơn thư, hòa giải thành công trên 2.000 vụ việc... do đó đã hạn chế tình trạng đơn thư  khiếu nại, vượt cấp, đông người kéo dài, góp phần vào ổn định tình hình ở cơ sở.

Có thể khẳng định, sau gần ba năm triển khai, thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị của địa phương; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, vị thế, uy tín của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường.

Tuy đạt được những kết quả bước đầu, song việc thực hiện các Quyết định số 217, 218 ở Thanh Hóa cũng còn một số tồn tại hạn chế như: Vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát hoạt động của chính quyền, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức thực thi công vụ và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở hiệu quả đạt thấp. Hoạt động của Ban công tác mặt trận, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa rõ nét. Việc thực hiện quy trình giám sát của các chủ thể giám sát chưa có tính thống nhất cao; nội dung giám sát có việc chưa phù hợp với thực tế của địa phương. Việc lựa chọn đối tượng giám sát còn quá rộng nên chưa đánh giá đầy đủ, khách quan; phương pháp, hình thức giám sát chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn, do vậy chưa phát huy đầy đủ vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Kỹ năng giám sát, PBXH còn hạn chế; việc nắm tình hình cơ sở còn chậm, do đó chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo và phối hợp với chính quyền giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của nhân dân ngay tại cơ sở.

Để hoạt động giám sát, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng thiết thực và hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị về vị trí, vai trò và khả năng to lớn về công tác vận động quần chúng của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, PBXH và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để nắm chắc tình hình nhân dân, dự báo sát tình hình cơ sở, phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc xã hội phát sinh, những bất cập trong việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật, phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với việc tạo cơ chế, bảo đảm các điều kiện cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát, PBXH và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là đối với các lĩnh vực mà xã hội và nhân dân đang quan tâm. Hoạt động giám sát, PBXH phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; gắn chặt với việc giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chú trọng giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất sau góp ý và giám sát, PBXH.

Ba là, phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận, chủ trì tham mưu của MTTQ và tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát, PBXH. Xác định việc thực hiện quy chế giám sát và PBXH là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, có sự thống nhất và phân công rõ ràng nhiệm vụ cho MTTQ và từng đoàn thể chính trị - xã hội. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát, PBXH có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, phản biện. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Ủy ban MTTQ các cấp; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, các chuyên gia trong việc tham gia các hoạt động giám sát, PBXH; tham gia góp ý xây dựng các văn bản, chủ trương chính sách và các đề án, dự án của tỉnh, của địa phương, cơ sở. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp với HĐND, Ủy ban kiểm tra cùng cấp trong công tác giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của MTTQ, cử tri và nhân dân. Kịp thời đề xuất biện pháp, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Năm là, trong hoạt động giám sát, PBXH và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cần lựa chọn những nội dung trọng tâm, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để thực hiện việc giám sát, PBXH đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và định hướng lãnh đạo của cấp ủy; có biện pháp, cách làm thiết thực, cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Nguyễn Văn Thành
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa

Các bài khác

TẠP CHÍ IN