Thứ Hai, 20/5/2024

Tỉnh ủy Quảng Ninh với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI)

Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị trên cơ sở bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong công tác dân vận, tỉnh đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng những nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề phức tạp, nảy sinh được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm; đổi mới cách thức quán triệt, ban hành các chỉ thị, nghị quyết theo hướng phát huy dân chủ, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Tỉnh đã chú trọng tập trung đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền thông qua việc cải cách hành chính; thành lập các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và các địa phương, cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ hành chính công; chấn chỉnh tác phong, lối sống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc được đổi mới theo phương châm “gần dân - bám trụ - kiên trì - mềm dẻo”, phân công rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong các cuộc vận động lớn của tỉnh. Tiêu biểu như: vận động gần 600 nhà bè với 2.200 nhân khẩu sống tại các làng chài trên vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống; huy động sự ủng hộ của nhân dân đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô với số tiền gần 200 tỷ đồng; vận động nhân dân ra đảo Trần; ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng trên 500 dự án, trong đó có nhiều dự án động lực có diện tích thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân và phải triển khai trong thời gian ngắn...

Tỉnh cũng tiếp tục đổi mới tổ chức; gắn kết vai trò của MTTQ, các đoàn thể, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân tạo nguồn lực và động lực cho sự phát triển. Thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho khối MTTQ và các đoàn thể cấp huyện; lựa chọn nhiệm vụ thiết thực gắn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân với việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động chủ trì để MTTQ, các đoàn thể xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội trình Ban Thường vụ phê duyệt và tổ chức thực hiện; cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện mọi mặt để MTTQ, các đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền bảo đảm tính tương tác, hiệu quả.

Trong 3 năm thực hiện các Quyết định số 217 và 218, tỉnh đã tập trung giám sát, phản biện... gắn với các nội dung chủ yếu: Chương trình “Giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ”; thực hiện Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở cơ sở, lồng ghép với giám sát hoạt động của các Trung tâm hành chính công cấp huyện; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, người lao động trong doanh nghiệp; thực hiện chính sách đối với người có công; thực hiện chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn; công tác quản lý nhà nước với vật tư nông nghiệp; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào thiểu số nghèo. Duy trì đối thoại thường xuyên của cấp ủy, chính quyền với đại diện các tầng lớp nhân dân, lắng nghe những kiến nghị, hiến kế của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; lấy ý kiến bằng phiếu kín đối với những nội dung có nhiều ý kiến trái chiều. Duy trì chế độ điều tra xã hội học, nắm bắt nhận thức, nhận xét, đánh giá của nhân dân về các chủ trương hoặc hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu, trưởng ban công tác mặt trận các thôn, bản, khu phố trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản hồi của nhân dân về những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ, kế hoạch từ tỉnh đến cơ sở. Bố trí thời gian để MTTQ báo cáo với HĐND về các kiến nghị của cử tri đối với công tác xây dựng chính quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước và thực thi pháp luật...

Tuy nhiên, việc chỉ đạo triển khai thực hiện các Quyết định số 217, 218 còn một số hạn chế như: nội dung kiểm tra, giám sát chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và yêu cầu thực tiễn. Chất lượng giám sát, phản biện một số dự án có liên quan đến đời sống đông đảo người dân, vào các văn bản pháp luật sắp ban hành chưa sâu. Thiếu cơ chế, chế tài để đối tượng được giám sát cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát; thực hiện đối thoại để làm rõ các nội dung kiến nghị khi có yêu cầu; chấn chỉnh những vi phạm, tiêu cực bị phát hiện...

Để công tác giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao hơn, có đầy đủ công cụ pháp lý hỗ trợ, chúng tôi kiến nghị thực hiện một số vấn đề sau: (1) Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy chế giám sát, phản biện xã hội ban hành kèm theo Quyết định 217 theo hướng đảm bảo cơ chế “chịu sự giám sát của nhân dân” theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Hiến pháp 2013. Theo đó, cần điều chỉnh cả chủ thể, nội dung, cách thức, quy trình, phạm vi giám sát và phản biện xã hội. (2) Sửa đổi, bổ sung Quy định 282 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng cụ thể hóa Khoản 2, Điều 9 của Hiến pháp về vị trí, vai trò, chức năng của các đoàn thể chính trị - xã hội (chưa mở rộng đến nội dung xây dựng và bảo vệ tổ quốc). (3) Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có đủ các căn cứ pháp lý thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội; trách nhiệm cung cấp thông tin, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. (4) Ban hành Nghị định thay thế Nghị định 99/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân vừa hết hiệu lực từ ngày 01/7/2016. (5) Ban Dân vận Trung ương hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh về thực hiện hiện cơ quan giúp việc chung Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm cụ thể hóa Điều 9, Hiến pháp 2013.

Đỗ Thị Hoàng
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN