Thứ Hai, 20/5/2024

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với lực lượng Bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Ngày 17/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP về Bảo vệ dân phố, đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng Bảo vệ dân phố. Trong đó xác định: “Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn, do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn quyết định thành lập. Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn”(2).

Tính đến tháng 02/2016, cả nước có 1.866 Ban Bảo vệ dân phố với 72.456 đồng chí Bảo vệ dân phố, trong đó Trưởng ban là 1.866 đồng chí và Phó Trưởng ban là 2.714 đồng chí. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 38 của Chính phủ, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố. Lực lượng Bảo vệ dân phố đã thực hiện tốt chức năng nắm tình hình an ninh, trật tự, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tham gia hòa giải các vụ việc; phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy; tích cực vận động nhân dân tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ và quản lý những người có quá khứ lầm lỡ hòa nhập với cộng đồng; phối hợp có hiệu quả với lực lượng dân phòng và bảo vệ chuyên trách của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn giữ vững an ninh trật tự, làm nòng cốt trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Lực lượng Bảo vệ dân phố đã phối hợp với các tổ chức quần chúng xây dựng các mô hình phong trào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để huy động đông đảo nhân dân tham gia; nhiều mô hình đã có tác dụng thiết thực, hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, tiêu biểu như các mô hình: “Tiếng loa an ninh”, “Cổng trường bình yên” của Bảo vệ dân phố thành phố Đà Nẵng; mô hình “Phòng chống tội phạm”, “Tổ dân phố tự quản về phòng, chống tội phạm và phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” của Bảo vệ dân phố tỉnh Yên Bái; “Hòm thư tố giác tội phạm” của Bảo vệ dân phố tỉnh Vĩnh Phúc; “Tổ tự quản về an ninh, trật tự” của Bảo vệ dân phố tỉnh Bắc Kạn; mô hình “Câu lạc bộ bảo vệ tài sản ngoài trời”, “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” của Bảo vệ dân phố tỉnh Quảng Trị; mô hình “3 trong 1” tại các phường của thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận; mô hình “Tổ an ninh tự quản” của tỉnh Bình Phước... 

Từ năm 2013 đến năm 2015, lực lượng Bảo vệ dân phố trong toàn quốc đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 200 nghìn tin có liên quan đến an ninh, trật tự, trong đó có trên 100 nghìn tin có giá trị; phối hợp tham gia giải quyết hơn 70 nghìn vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, giúp chính quyền cơ sở và lực lượng Công an kịp thời ngăn chặn, giải quyết nhiều vụ việc không để phức tạp xảy ra. Tham gia bảo vệ hiện trường hơn 7 vạn vụ, sơ cứu hơn 2 vạn người bị nạn. Tham gia quản lý, giáo dục hơn 5 vạn lượt đối tượng, vận động 2.235 lượt đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú. Nhiều tập thể, cá nhân Bảo vệ dân phố là những điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được các cấp khen thưởng. Đó chính là những tấm gương tiêu biểu của lực lượng Bảo vệ dân phố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn an ninh, trật tự, tạo hình ảnh tốt đẹp và niềm tin trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Bảo vệ dân phố. Công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Bảo vệ dân phố chưa thường xuyên, mang tính hình thức. Một số Bảo vệ dân phố chưa thật trách nhiệm và gắn bó với công việc. Thực hiện chế độ, chính sách, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ hoạt động cho Bảo vệ dân phố còn hạn chế, phụ cấp cho Bảo vệ dân phố còn quá thấp so với mặt bằng thu nhập chung ở địa phương.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của lực lượng Bảo vệ dân phố trong những năm qua, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở là yếu tố quyết định để lực lượng Bảo vệ dân phố không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Thực tế chứng minh, ở địa phương nào cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, có nhiều biện pháp, cách làm phù hợp thì lực lượng Bảo vệ dân phố ở đó có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được nâng lên; không để xảy ra các điểm nóng về an ninh, trật tự, tội phạm và các tệ nạn được kéo giảm.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của Bảo vệ dân phố trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi Bảo vệ dân phố khi thực hiện nhiệm vụ phải thấy đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của bản thân, gia đình và vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng Bảo vệ dân phố trong sạch vững mạnh, gần dân, sát dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thường xuyên thực hiện tốt phong trào “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” trong lực lượng Bảo vệ dân phố, phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” và tổ chức diễn đàn “Lắng nghe ý kiến nhân dân trong lực lượng Bảo vệ dân phố”.

Ba là, lực lượng Công an cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường quản lý nhà nước đối với lực lượng Bảo vệ dân phố; thực hiện chế độ, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của Bảo vệ dân phố. Định kỳ giao ban, thông báo tình hình an ninh, trật tự, âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn để Bảo vệ dân phố kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ dân phố phù hợp với từng loại địa bàn, vùng, miền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát khu vực của Công an cấp phường và Đội xây dựng phong trào, quản lý Bảo vệ dân phố của Công an cấp quận, huyện. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân Bảo vệ dân phố có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong lực lượng Bảo vệ dân phố. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo vệ dân phố.

Trong thời gian tới, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh chính trị nội bộ, an ninh trong tôn giáo, dân tộc sẽ vẫn là những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp cao. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và gay gắt. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức và những bức xúc trong xã hội, trong đó khu vực đô thị có chiều hướng gia tăng; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngày càng nghiêm trọng hơn. Các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội chưa được giải quyết cơ bản, tiếp tục tác động làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ, quy mô ngày càng mở rộng. Tình hình khiếu kiện đông người, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự vẫn là những vấn đề cần tập trung giải quyết ngay từ đầu và tại cơ sở. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dân phố, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đối với lực lượng Bảo vệ dân phố đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đề nghị cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo, động viên lực lượng Bảo vệ dân phố bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả để lực lượng Bảo vệ dân phố thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ; có giải pháp, chính sách phù hợp để huy động được lực lượng Bảo vệ dân phố tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân Bảo vệ dân phố có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Bảo vệ dân phố với các lực lượng khác như: Dân quân tự vệ, Dân phòng, đoàn thể quần chúng và bảo vệ chuyên trách các cơ quan, đơn vị, các tổ chức doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong công tác nắm tình hình, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Thường xuyên tổ chức các chương trình phối hợp hiệp đồng công tác, sử dụng sức mạnh đông đảo của các lực lượng quần chúng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc củng cố, kiện toàn, xây dựng lực lượng Bảo vệ dân phố trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở phường, thị trấn và là cánh tay nối dài của lực lượng Công an ở cơ sở.

Thứ tư, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn nữa thực hiện các chế độ chính sách như phụ cấp, trang bị đồng phục, phương tiện, công cụ hỗ trợ làm việc, có chế độ bồi dưỡng động viên kịp thời khi thực hiện các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, tuần tra, bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước, của địa phương. Bố trí chỗ làm việc, nơi ứng trực, tạo điều kiện cho Bảo vệ dân phố chủ động tham gia cùng Công an phường, thị trấn và các lực lượng khác trong việc tuần tra, giải quyết tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thứ năm, phát huy hơn nữa vai trò của Công an phường, thị trấn trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo về công tác nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ dân phố; làm cho từng thành viên Bảo vệ dân phố nhận thức sâu sắc vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ra sức công tác, rèn luyện, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.366.

(2) Điều 2, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP, ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố.

Thượng tướng Tô Lâm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Các bài khác

TẠP CHÍ IN