Thứ Hai, 20/5/2024

Vài suy nghĩ về dân vận bằng nêu gương trong giai đoạn hiện nay

Có thể nói không chỉ là những vấn đề công tác dân vận, mà điều mọi người chia sẻ, đồng tình, đồng cảm, tâm huyết với những điều mà lần đầu tiên người đứng đầu Đảng “rút gan, rút ruột” nói công khai trước toàn Đảng, toàn dân. Đó là “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân”. Đó là “hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh”. Đó là “một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy”. Và “một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng”... Tổng Bí thư còn đặt vấn đề: “Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất hiện nay”.

Cho đến nay, trong Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong các quy chế, quy định của các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta đã quy định đầy đủ, toàn diện về trách nhiệm hy sinh, nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên trong các tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền, cơ quan, đơn vị nhà nước. Còn gương mẫu, nêu gương như thế nào, những ai phải nêu gương ra sao, ở đâu thì đã được quy định cụ thể trong Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Ban Bí thư (khóa XI). Gần đây, trong Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ “Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”(1). Đồng thời, “xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng”(2). 

Bấy lâu nay, vấn đề nêu gương chủ yếu dựa vào sự tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc thiếu kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, cộng với sự nể nang, né tránh, thiếu cương quyết, nghiêm minh trong tự phê bình và phê bình, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên không được thực hiện nghiêm, kém hiệu quả, thậm chí có trình trạng “lẫn lộn trắng đen”. Do thiếu công khai, minh bạch, cho nên nhiều người cũng không biết có quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên và lại càng không biết cán bộ, đảng viên nào nêu gương tốt, cán bộ, đảng viên nào bị đánh giá là làm chưa tốt; thậm chí, có những cán bộ, đảng viên nêu gương xấu nhưng vẫn không thấy bị xử lý, kỷ luật. Trong khi giá trị đạo đức xã hội đang bị đảo lộn, khi mà việc đánh giá cán bộ, đảng viên là vấn đề rất khó đối với một tập thể, tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị, khi mà “vàng thau lẫn lộn” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, khi mà nhiều cán bộ nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo hoặc nghĩ một đằng, nói một đằng, làm một nẻo thì công tác dân vận lại càng khó đi vào lòng người, khó thuyết phục được người dân.

Vậy làm thế nào để cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm gương mẫu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, nhằm góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước? Đây là vấn đề cực kỳ khó vì nó liên quan đến cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, cơ sở, nhưng không thể không làm vì nó liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Tất nhiên, muốn làm tốt phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có những giải pháp mà nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đề ra. Nhưng liên quan đến công tác dân vận thì phải dựa vào dân thì mới có thể thực hiện tốt mọi vấn đề cuộc sống hiện nay đặt ra.

Trước hết, dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước nhà, là điều kiện quan trọng để đảm bảo, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang... Điều này cần phải được tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục tốt hơn nữa. Bởi vì, cho đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên không hiểu, không làm, không biết về công tác dân vận, thậm chí vẫn có tư tưởng “xem khinh” công tác dân vận. Chính vì vậy, trong tình hình hiện nay, sau hơn 6 năm thực hiện “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” cần được xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung đồng thời kiểm tra, giám sát thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát cán bộ, đảng viên, trong đó có trách nhiệm nêu gương. Trong Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nêu rõ: “Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên”. Một trong những vấn đề cấp bách cũng được Đảng ta xác định trong các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là: “Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta nhấn mạnh giải pháp coi trọng sự giám sát của nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và yêu cầu cán bộ chủ chốt, cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Vì trên thực tế, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn gắn bó với nhân dân, tôn trọng ý kiến nhân dân,  thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có biểu hiện xa dân, sống xa hoa, cách biệt với cuộc sống đạm bạc, bình dị của phần lớn người dân lao động. Một số cán bộ tác phong quan liêu, cửa quyền, không thường xuyên gần gũi tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân, không tham gia sinh hoạt, không liên hệ với đảng bộ, chi bộ nơi cư trú.

Thứ ba, mở rộng dân chủ trong Đảng, công khai những vấn đề thuộc về cán bộ, đảng viên để quần chúng, nhân dân biết để kiểm tra, giám sát. Một trong những điều quan trọng đầu tiên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải phát huy dân chủ trong Đảng. Đảng cần ban hành quy chế, quy định việc công khai những vấn đề của tổ chức đảng, đảng viên để quần chúng, nhân dân biết, tham gia xây dựng Đảng và góp ý đảng viên. Các tổ chức đảng phải công khai, minh bạch, chấp nhận tranh luận. Công khai, minh bạch là một trong những điều kiện tiên quyết để phát huy dân chủ. Không nên coi đây là “việc nội bộ, nhạy cảm”, vì kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, công tác chỉnh đốn Đảng nói chung, việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên nói riêng chỉ có chuyển biến tích cực, rõ nét nếu phát huy được vai trò, trách nhiệm giám sát chặt chẽ của quần chúng nhân dân. Việc thực hiện chủ trương “cán bộ công khai tài sản” để tránh tham nhũng cho đến nay vẫn còn hình thức. Việc công khai tài sản của các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 làm chưa đến nơi đến chốn, vô hình trung tạo ra những lỗ hổng trong công tác cán bộ tại các cơ quan dân cử. Trong khi đó, dù người nào, chức to đến mấy ở trong cơ quan, đơn vị hay ở khu dân cư, không có việc gì qua  được mắt quần chúng nhân dân. Thế nhưng khi đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên thì quần chúng nhân dân ít khi được hỏi ý kiến, nếu hỏi cũng rất hình thức.

Thứ tư, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần công khai tự phê bình và phê bình trước quần chúng nhân dân. Trong lịch sử của mình, Đảng ta đã nhiều lần công khai tự phê bình và phê bình trước nhân dân, trên báo chí, ngay cả khi cách mạng nước nhà đứng trước nguy cơ, thách thức gay go, quyết liệt nhất. Những đợt sinh hoạt Đảng như thế kết quả rất tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên và quan trọng nhất là làm cho quần chúng nhân dân càng thêm tin yêu Đảng hơn.

Năm 1947, Bác Hồ đã nhìn thấy những nguy cơ đảng cầm quyền dễ phạm sai lầm, Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong đó có câu rất nổi tiếng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, nếu Đảng phạm sai lầm thì phải công khai thừa nhận sai lầm, tìm nguyên nhân sai lầm, đề ra biện pháp sửa chữa thì đó là dấu hiệu của một Đảng chân chính”. Việc các cấp ủy, cán bộ, đảng viên công khai tự phê bình và phê bình trước nhân dân, lúc đầu có thể gây “sốc” cho một số người hoặc có tâm lý lo ngại thế lực thù địch lợi dụng, nhưng trong lịch sử Đảng ta, điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Trong tình hình hiện nay, việc cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cả nước thực hiện nêu gương, công khai tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí chính là một cách làm tốt công tác dân vận, hay nói một cách khác: dân vận bằng nêu gương. 

(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2016, tr. 203, 205.

Vũ Ngọc Lân

Các bài khác

TẠP CHÍ IN