Thứ Hai, 20/5/2024

Về cái gọi là “còn giới hạn về tự do tôn giáo” ở Việt Nam

1. “Phúc trình” đã nói gì về Việt Nam?

“Phúc trình” năm 2015 phần tóm tắt về Việt Nam tuy cũng có những đánh giá khách quan về những quy định của Hiến pháp Việt Nam trong việc khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tuy nhiên “Phúc trình” cũng cho rằng “có những giới hạn về tự do tôn giáo vì các lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội đã được nêu ra”. “Phúc trình” cho rằng Việt Nam có sự phân biệt đối xử và rằng: “Một số giới chức địa phương và cấp tỉnh đã sử dụng một cách có hệ thống và công khai các cơ chế quản lý địa phương và quốc gia để làm chậm, phi hợp pháp hóa, và đàn áp các hoạt động tôn giáo của các nhóm cưỡng lại sự quản lý chặt chẽ của chính phủ đối với cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc tụ họp và các hoạt động khác của các nhóm này…”. Trong “Phúc trình”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn đưa ra khuyến nghị: “Đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ thúc giục giới chức trách cho phép tất cả các nhóm tôn giáo được hoạt động tự do...”

2. Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo

Thực ra không phải gần đây mà đã từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và Hiến pháp, pháp luật. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của người dân. Những quan điểm nhất quán này đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013.

Trong các văn kiện của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Đây được coi là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức về tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam với hai luận điểm “đột phá” là: Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới.

Ngày 12/3/2003, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW “Về công tác tôn giáo”. Đến nay, nghị quyết này vẫn được xem là “kim chỉ nam” cho công tác tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam và khẳng định những chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo. Ngay trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển 2011) - một trong những văn kiện có giá trị cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ghi rõ: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.

Trong các văn bản pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng có thể coi Nghị định 69/NĐ-HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Quy định về các hoạt động tôn giáo” là văn bản mở đầu. Sau đó, một loạt văn bản khác đã được ban hành như: Nghị định 26 ngày 19/4/1999 của Chính phủ “Về các hoạt động tôn giáo”; Quyết định số 125 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/6/2003 “Về việc phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá IX) về công tác tôn giáo”. Tháng 7/2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo... Có thể khẳng định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tôn giáo đã thể hiện nhất quán việc tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

3. Thực tiễn sinh động về tôn giáo ở Việt Nam

Sẽ có người nói rằng nói và làm là một khoảng cách, những quy định đầy đủ và rạch ròi như vậy nhưng thực hiện chưa hẳn đã đúng theo quy định. Đúng vậy, nhưng lại phải nhắc lại một câu nói quen thuộc của người Việt Nam đó là “trăm nghe không bằng một thấy”. Thực tiễn sinh động về tôn giáo ở Việt Nam mới là minh chứng thuyết phục nhất về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, những ngày lễ lớn của các tôn giáo, nhất là lễ Phật đản, Vu Lan, Thiên Chúa giáng sinh, Phục sinh… không chỉ là của những người theo các tôn giáo mà trở thành ngày vui chung, ngày hội lớn của mọi người. Nếu không có những chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam làm sao có những hình ảnh sinh động này. Ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh của những người theo đạo Công giáo, Tin lành, trong dòng người đông đảo đến với các nhà thờ không chỉ có những người theo đạo Công giáo hoặc Tin lành mà còn có đông đảo những người theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Cũng vậy, ngày lễ Phật đản của Phật giáo đâu phải chỉ có người theo đạo Phật mới đến chùa. Có lẽ vì vậy mà trong những năm qua, chùa chiền, nhà thờ được tôn tạo, xây dựng lên ở khắp mọi nơi, số tín đồ của các tôn giáo ngày một tăng lên không ngừng, nhiều tôn giáo, hệ phái tôn giáo mới đã được Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện và cấp phép hoạt động. Các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích luôn được nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, tôn trọng và tạo điều kiện hoạt động, phát triển.

Trước đây, khi có dịp về thăm Việt Nam, cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ đã từng phát biểu: “Không phải riêng tôi, mà cả trăm, nghìn Việt kiều về thăm quê hương đều thấy chùa chiền được xây cất ngày càng nhiều, người đi chùa, đi nhà thờ đông nghìn nghịt, hoàn toàn không có sự cấm đoán. Nếu mà nói về tự do tôn giáo thì thật sự có tự do, không ai có thể chối cãi được”. Không phải tới cuộc về thăm này của ông Nguyễn Cao Kỳ, mà hòa chung với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển về mọi mặt của đất nước, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đã ngày càng sôi động, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo ngày càng cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động tôn giáo.

Quyền con người, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được bảo đảm ngày một tốt hơn; các tôn giáo đã phát triển nhanh cả về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự. Theo thống kê, 95% dân số cả nước có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau; đã có 41 tổ chức thuộc 14 tôn giáo khác nhau được công nhận với hơn 83 nghìn chức sắc tôn giáo, nhà tu hành và hơn 100 nghìn chức việc; hàng chục nghìn cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo; các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương; nhiều ấn phẩm về tôn giáo được in ấn và phát hành rộng rãi.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Trong hàng giáo phẩm của các tôn giáo hiện nay, rất nhiều vị được Nhà nước tạo điều kiện để đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước trên thế giới. Nhiều lễ hội tôn giáo lớn cả quốc tế và trong nước đã được long trọng tổ chức ở Việt Nam thời gian qua như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014; Lễ Bế mạc Năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại Giáo xứ La Vang, tỉnh Quảng Trị; Đại lễ kỷ niệm 72 năm khai sáng đạo Phật giáo Hòa hảo; Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010… Từ năm 2011, Vatican đã cử Đại diện không thường trú tại Việt Nam và đặc phái viên không thường trú này đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam.

Với thực tế đó, nếu thực sự “còn giới hạn tự do tôn giáo ở Việt Nam” thì các tổ chức tôn giáo có thể xác lập được vị trí, phát triển ổn định như hiện nay, đời sống và sinh hoạt tôn giáo của người dân có sôi động, tự do như hiện nay?

Hãy khoan nói tới những điểm đánh giá thiên kiến và không đúng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, chỉ riêng về quan hệ bang giao quốc tế, việc Bộ Ngoại giao của một quốc gia lớn như Hoa Kỳ đưa ra đánh giá - mà lại là đánh giá không khách quan, trung thực - về tôn giáo của một quốc gia có chủ quyền là Việt Nam đã là điều khó có thể chấp nhận. Hai nữa, năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm tới Hoa Kỳ. Tại cuộc viếng thăm này, hai nước đã ký kết văn kiện “xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”. Tháng 7/2015, lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ và ông đã được chính quyền của Tổng thống Barack Obama đón tiếp với nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Trong văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên tiếp tục tái khẳng định nguyên tắc: “Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền quản lý xã hội của mình trên lãnh thổ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Để quản lý nhà nước về tôn giáo thật sự có hiệu quả, phát huy tác dụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đương nhiên Nhà nước Việt Nam phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân và đặc biệt là các hành động lợi dụng tôn giáo vì các mục đích khác nhau trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

“Phúc trình” lần này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định - là cái nhìn không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam. Đọc một số tên tuổi mà phúc trình nhắc tới cũng có thể hiểu mục đích của “Phúc trình” là gì. Người Việt Nam có câu nói quen thuộc “trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ nghe mà không nghe bằng hai tai thì thật là tai hại. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định nhất quán rằng ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo; ở Việt Nam chỉ có những người bị bắt, bị xử phạt vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Thực tế từ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến thực tiễn sinh động về tôn giáo ở Việt Nam chính là minh chứng hùng hồn nhất bác bỏ những những đánh giá không khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Vũ Trung Kiên

Các bài khác

TẠP CHÍ IN