Thứ Hai, 20/5/2024

Hải Phòng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, cấp uỷ các cấp thành phố Hải Phòng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể. Hoạt động của hệ thống mặt trận, đoàn thể thành phố được ngành dọc Trung ương và Thành uỷ ghi nhận, đánh giá tốt. Trước khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Đó là một số thuận lợi cơ bản cho triển khai Quyết định số 217 tại thành phố Hải Phòng. 

Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu với Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo việc cụ thể hóa bằng các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, quyết định, tiêu biểu như: Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 17/4/2014 về việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW; Hướng dẫn số 16-HD/BDVTU, ngày 15/7/2014 về việc triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW cho hệ thống dân vận thành phố; các Quyết định số 1737 và 1738 ngày 27/01/2015 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Quy định trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với nhân dân”.

Công tác quán triệt, triển khai các Quyết định của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở. Thành uỷ ban hành Kế hoạch và tổ chức 02 hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt, triển khai. Thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện trong hệ thống. Các quận uỷ, huyện ủy ban hành nhiều chỉ thị, thông tri, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thực hiện.

 Năm 2015, Thành uỷ chính thức giao cho Ban Dân vận Thành uỷ là cơ quan có trách nhiệm thẩm định chương trình giám sát, phản biện xã hội hàng năm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. Hàng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố xây dựng nội dung giám sát, phản biện; Ban Dân vận Thành uỷ chủ trì tổng hợp, thẩm định, xây dựng thành Chương trình giám sát, phản biện chung của khối Mặt trận, đoàn thể và thống nhất với UBND thành phố. Sau khi UBND thành phố thống nhất, Ban Dân vận Thành uỷ trình Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt Chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể. Trên cơ sở đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ động triển khai thực hiện.

 Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Quyết định của Bộ Chính trị và Thành uỷ đã được các cấp uỷ đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Việc thông tin, báo cáo tình hình triển khai thực hiện được tiến hành thường xuyên tại các cuộc giao ban giữa Thường trực cấp uỷ với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, giao ban Thường trực quận uỷ, huyện uỷ với khối dân vận xã, phường, thị trấn; qua đó cấp uỷ các cấp kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. MTTQ và các đoàn thể cũng tổ chức một số cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung giám sát và phản biện xã hội; tổ chức một số cuộc làm điểm rút kinh nghiệm trước khi đưa ra thực hiện trên diện rộng; đưa nội dung giám sát, phản biện xã hội vào chương trình tập huấn hàng năm.

Tháng 12/2015, Ban Dân vận Thành uỷ đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, các quận, huyện uỷ tiến hành rà soát, đánh giá kết quả 02 năm thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khoá XI) và các Quyết định 1737, 1738 của Ban Thường vụ Thành uỷ (khoá XIV), qua đó kịp thời bổ khuyết chỉ đạo.

Trong hoạt động giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã thực hiện giám sát các nội dung như: công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện chưa giải quyết dứt điểm, tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở có thu tiền sử dụng đất, việc xét đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo, công tác quản lí kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và hành nghề bán thuốc thú y tư nhân ở địa phương, đơn vị, Luật BHXH sửa đổi năm 2014, Luật Công đoàn, Luật Lao động, Luật Việc làm và các chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp ...

Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở quy định tại các Nghị định của Chính phủ; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong huy động, quản lí, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; tiến hành giám sát công tác tiếp công dân; giám sát việc thu, chi các loại quỹ và công tác xã hội hoá trong trường học, cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, chính sách với người có công với cách mạng và hoạt động của công chức tại bộ phận “một cửa”; giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho cựu chiến binh...

 Qua hơn 2 năm thực hiện Quyết định 217, MTTQ và các đoàn thể cấp thành phố thực hiện được 2.408 cuộc giám sát; cấp quận, huyện thực hiện được 910 cuộc giám sát; cấp xã, phường, thị trấn thực hiện được 1.153 cuộc giám sát. Qua thực hiện giám sát phát hiện và xử lí kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để thanh tra xử lí.

Đối với công tác phản biện xã hội, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tham gia ý kiến vào dự các văn kiện, báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố khoá XV, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật; phản biện xã hội đối với dự án rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp thành phố giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố; tham gia ý kiến vào kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Đề án xây dựng mối quan hệ lao động đến năm 2020 của thành phố…

Triển khai thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội ở thành phố Hải Phòng đã đạt được các kết quả bước đầu và từng bước đi vào nền nếp; quan trọng là góp phần phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế ngay từ cơ sở, kịp thời có biện pháp khắc phục. Qua quá trình triển khai thực hiện có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với việc tạo cơ chế, điều kiện đảm bảo cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội. Chú trọng việc giải quyết các kết quả sau góp ý và giám sát, phản biện xã hội.

Xác định việc thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và nâng cao vị thế đại diện của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội; giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội với các cấp, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các quy định của Trung ương về giám sát và phản biện xã hội.

Ba là, tăng cường các hình thức hội thảo, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức làm điểm hoạt động giám sát, phản biện trước khi nhân ra diện rộng.

Bốn là, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, tăng cường và phát huy vai trò của ban dân vận cấp ủy trong việc tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai giám sát, phản biện xã hội. Định kỳ sơ kết, đánh giá rút kinh nhiệm việc triển khai các Quyết định của Bộ Chính trị.

Trong quá trình triển khai thực hiện các Quyết định của Bộ Chính trị xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc, như: MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp còn gặp lúng túng trong việc xác định nội dung, hình thức giám sát và phản biện xã hội. Chưa xây dựng được rõ mối quan hệ, quy chế phối hợp rõ ràng, hiệu quả, chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội để tránh trùng chéo, nâng cao hiệu quả. Trình độ, năng lực, kỹ năng thực hiện giám sát, phản biện xã hội của cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp còn hạn chế, bất cập. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở về giám sát, phản biện xã hội, tổ chức đối thoại trực tiếp còn chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lí giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa triệt để, chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn phố Hải Phòng, cần tập trung làm tốt các mục tiêu, nhiệm vụ sau:

1. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực triển khai Chương trình giám sát, phản biện năm 2016 đã được UBND thành phố thống nhất, Thành ủy phê duyệt. Đồng thời, có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát.

2. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo các quyết định của Bộ Chính trị. Đưa giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các quyết định của Trung ương và Thành uỷ vào chương trình giám sát, phản biện hàng năm của cáp uỷ các cấp.  Định kỳ thực hiện công tác sơ, tổng kết thực tiễn, biểu dương, nhân rộng các điển hình, nhân tố tích cực.

3. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn về giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Tiếp tục các hình thức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, toạ đàm, hội thảo về giám sát và phản biện xã hội; phân biệt giữa giám sát của HĐND và giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.


TS. Bùi Đức Quang
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN