Thứ Hai, 20/5/2024

Công tác dân vận trong bảo vệ an ninh biên giới ở Hà Giang

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận; chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết Quy chế phối hợp thực hiện công tác dân vận với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, vận động quần chúng nhân dân thông qua các phong trào, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Các đảng ủy Quân sự, Biên phòng, Công an đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị địa phương tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận để phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ về vai trò của công tác dân vận, về ý thức và trách nhiệm phục vụ nhân dân thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”; kết nghĩa giữa các xã, thị trấn biên giới của tỉnh Hà Giang (Việt Nam) với các hương, trấn biên giới của tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy đơn vị với cán bộ chiến sỹ và nhân dân khu vực biên giới.

Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Tỉnh ủy đã phân công mỗi đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách, giám sát trực tiếp 13 xã, phường, thị trấn; các đồng chí Tỉnh ủy viên và trưởng các ngành trực tiếp phụ trách, giúp đỡ 01 xã đặc biệt khó khăn. Đối với các xã biên giới, phân công cán bộ, sỹ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh tham gia cấp ủy và giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy các xã đặc biệt khó khăn, địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự. Đối với cấp huyện, phân công cấp ủy viên, lãnh đạo các phòng, ban phụ trách và hàng tháng trực tiếp dự sinh hoạt cấp ủy, chi bộ tới tận thôn, tổ dân phố.

Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã cử 34 đồng chí cán bộ tăng cường làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch các xã, thị trấn biên giới, 45 đồng chí cán bộ, đảng viên tham gia dự sinh hoạt xóm (bản) biên giới. Các đồng chí này vừa trực tiếp tham mưu với tỉnh, huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện những nội dung về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó góp phần giúp hệ thống chính trị ở 34 xã, thị trấn từ hoạt động kém hiệu quả vươn lên hoạt động khá; tích cực bồi dưỡng cho quần chúng ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng; xây dựng, củng cố, hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy hiệu quả tập hợp hội viên, đoàn viên; tập trung giúp cơ sở nắm vững nhiệm vụ chính trị, khắc phục những yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền.

Xác định xây dựng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới phải kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, những năm qua lực lượng Quân sự, Biên phòng đã bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình địa bàn thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân; tổ chức hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; sửa 675 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 17 công trình dân sinh, 2 điểm trường trị giá trên 7 tỷ đồng; sửa chữa, làm mới 398 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách; vận động nhân dân hiến đất phục vụ cho các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế khu vực biên giới; tích cực thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về sắp xếp ổn định dân cư; phối hợp xây dựng Đề án 84 theo Chỉ thị của Bộ Quốc phòng về xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020; duy trì và thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ quét, sạt lở đất...

Với mô hình giúp dân xây dựng “Nhà Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo; Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; từ năm 2013 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang tặng 117 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 1,5 tỷ đồng; tặng 800 suất quà, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng; phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel bàn giao 2.083 con bò giống cho 2.083 hộ nghèo ở các xã, thị trấn biên giới với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng; thực hiện có hiệu quả 13 mô hình Bộ đội Biên phòng giúp dân phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới và tham gia xây dựng nông thôn mới giúp nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống…

Trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các lực lượng đã bám nắm địa bàn, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch gây phức tạp về an ninh trật tự; các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời nắm bắt tình hình và tuyên truyền định hướng dư luận trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm có giải pháp phòng ngừa xử lý một số hoạt động lợi dụng đồng bào vùng sâu, vùng xa tuyên truyền mê tín dị đoan bất thường trên địa bàn tỉnh.

Đối với các địa bàn trọng yếu, “điểm nóng” về an ninh chính trị, lực lượng vũ trang đều thành lập các tổ, đội công tác đặc biệt xuống cơ sở để vừa làm công tác vận động quần chúng vừa nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện các vấn đề nảy sinh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, đồng thời làm công tác tuyên truyền để vận động, định hướng nhân dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Công tác quản lý địa bàn biên giới và vận động nhân dân không vượt biên, xuất cảnh trái phép được thực hiện với nhiều biện pháp, hình thức đa dạng như: Tuyên truyền trực tiếp qua hình thức biểu diễn văn nghệ, loa phóng thanh tại các phiên chợ, in tờ rơi phát cho các xã biên giới, các đồn biên phòng nhằm nâng cao nhận thức của người dân nhất là cư dân biên giới; lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới và các lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác phòng, chống, đấu tranh với các hoạt động lôi kéo, móc nối của cơ quan đặc biệt nước ngoài và hoạt động trộm cắp, buôn bán ma túy, trẻ em, buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động nắm bắt dư luận, đặc biệt là các tin đồn nhảm, mê tín dị đoan nhằm kích động, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự...

 Để tăng cường thu hút, tập hợp nhân dân phát huy sức mạnh quần chúng tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương, Hà Giang đã phát huy có hiệu quả mô hình tổ dân vận thôn, tổ dân phố. Đến nay, toàn tỉnh có 2.069/2.069 thôn, tổ dân phố đi vào hoạt động. Qua đó, đã thiết lập chặt chẽ hơn cơ chế về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư; làm trung tâm quy tụ đầu mối của các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng; kịp thời kiểm tra uốn nắn những vấn đề nảy sinh trong công tác vận động quần chúng.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được thực hiện hiệu quả với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp với từng địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh đã đăng ký và triển khai nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” được 3.778 mô hình trên tất cả các lĩnh vực (trong đó lĩnh vực quốc phòng - an ninh 610 mô hình), nổi bật như các mô hình: “Vận động nhân dân phòng, chống địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc gây mất an ninh trật tự”; “Vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm”; “Thanh niên xung kích tham gia bảo vệ đường biên mốc giới gắn với phát triển kinh tế nuôi dê”, “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” của Công an tỉnh. Các mô hình: “Tổ an ninh tự quản”; “Đội Thanh niên xung kích trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”; “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm” của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh…

Các phong trào quần chúng, đặc biệt là phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới” gắn với “Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã có chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đến nay, đã có 346/346 xóm (bản); 22.473 hộ/112.435 hộ của các xã, thị trấn biên giới đã ký kết tham gia thực hiện phong trào, trong đó có 525 hộ đăng ký tự quản, bảo vệ 442 cột mốc quốc giới; 525 hộ ký cam kết tự quản 277,556 km đường biên giới; củng cố được 346 tổ an ninh trật tự, huy động hơn 3.000 lượt dân quân phối hợp với Bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới; tuần tra 553 lần/5.099 lượt người, xây dựng 128 đội tự quản an ninh trật tự thôn với 722 thành viên; 1.687 tổ an ninh nhân dân; vận động 881 hộ/4.312 khẩu đồng bào dân tộc Mông không di cư tự do; ngăn chặn 43 vụ/199 đối tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín, trưởng dòng họ và các hội quần chúng... trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết quả công tác dân vận trong vận động nhân dân bảo vệ an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ly Mí Lử
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN