Thứ Hai, 20/5/2024
Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Lai Châu
Quang cảnh buổi làm việc.

Các đồng chí: Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh tham dự buổi làm việc.

Theo báo cáo của tỉnh, việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (gọi tắt là Chỉ thị 49); công tác dân vận của cấp ủy và chính quyền trong đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị; công tác dân vận góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả.

Việc bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Số cán bộ, công chức là người dân tộc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện trở lên là 144/2.086 người (chiếm 6,09%); viên chức người dân tộc 446/2.086 người (chiếm 21,38%) và cán bộ cấp xã 986/1.784 người. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội đã quán triệt, triển khai đến cán bộ, hội viên và Nhân dân, cụ thể hóa thành kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hướng cụ thể, thiết thực, hướng hoạt động về cơ sở. Lực lượng vũ trang chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất giúp dân hoặc dạy học, khám bệnh, cấp thuốc cho Nhân dân; vận động Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, kích động di cư tự do.

Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân vận của hệ thống chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, 100% thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được công khai trên cổng thông tin điện tử cấp độ 1, 2; 12 thủ tục được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 3, 4. 20/20 sở, ngành, 8/8 đơn vị cấp huyện, thành phố và 108/108 xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

 Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Văn phòng điều phối nông thôn mới đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 92 hội nghị tuyên truyền xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cho cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể ở cơ sở. Thí điểm thành lập 358 tổ dân vận, tập trung hướng dẫn tổ dân vận làm tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2017, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã vận động Nhân dân tham gia hiến 16.505m2 đất, 6.300 ngày công làm đường giao thông nội bản, nội đồng.

Thành viên Đoàn công tác đề nghị tỉnh làm rõ một số vấn đề liên quan đến tập trung đổi mới trong công tác dân vận của tỉnh. Trong đó, có cách thức tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân tham gia vào các đề án, dự án, cách thức xây dựng nông thôn mới; việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị của Nhân dân thông qua việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí; kinh nghiệm phối hợp công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực biên giới…

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ban Đảng tỉnh và cơ quan liên quan tiếp thu và giải đáp một số kiến nghị của Đoàn: đối với vấn đề giải quyết kiến nghị, đề xuất của Nhân dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều được các cấp tiếp thu, chỉ đạo giải quyết và có văn bản trả lời cụ thể. Cách tuyên truyền thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng được thực hiện công khai, minh bạch đến từng chi bộ bản, trưởng bản, dựa vào những người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền các chính sách; lực lượng công an đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gắn bó, gần gũi với Nhân dân, tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, sinh động, đem lại hiệu quả cao…

Đại diện lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất với Đoàn công tác: đối với Chỉ thị 49, Trung ương nghiên cứu, ban hành chính sách ưu tiên trong xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Chú trọng đào tạo gắn với vị trí việc làm; việc xây dựng hương ước, quy ước bản làng theo mẫu hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến xã, xây dựng dựa vào tình hình thực tế của từng thôn bản và đảm bảo tinh thần tự nguyện của người dân. Có hệ thống văn bản cụ thể hướng dẫn công tác giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước; nâng cao chế độ chính sách, kinh phí tổ chức đối với các hội nghị, các phòng trào đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; nâng mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa cao hơn so với hiện nay…

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Thào Xuân Sùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn công tác nêu những nội dung nổi bật nhất của Đoàn công tác thu được sau các chương trình làm việc tại huyện Phong Thổ và Tỉnh ủy Lai Châu. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương nghiêm túc; tỉnh đã xây dựng được các quy định về cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở các xã, thị trấn, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cán bộ các cấp. Tỉnh ủy tập trung kiện toàn bộ máy, trong đó, có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bám địa bàn, bám cơ sở, bám dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong triển khai xây dựng nông thôn mới… Đồng chí cũng chỉ ra 5 bài học trong công tác dân vận, đó là: cấp ủy và người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng phục vụ Nhân dân; người dân được tuyên truyền, hiểu, xem và được làm theo từ những người làm công tác dân vận; có sự hỗ trợ đầu tư thích hợp về chính sách phát triển kinh tế - xã hội mới phát huy hiệu quả; biết phát huy vai trò của Nhân dân, nhất là người có kinh nghiệm sản xuất, người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng, chính quyền; triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải đồng bộ và hiệu quả.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất