Thứ Năm, 2/5/2024
Cần tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân

Dư luận cho rằng, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, cẩn trọng, sửa đổi cơ bản, toàn diện, phạm vi liên quan đến mọi người dân và cả xã hội nên việc phát huy dân chủ, phát huy tối đa trí tuệ của người dân là rất cần thiết để sớm có Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm công cụ cho việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Dư luận rất đồng tình với việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề như: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn… Đây là những vấn đề lớn và mới, còn có ý kiến khác nhau. Trong Kế hoạch của Chính phủ (phần phụ lục) cũng lập luận cơ sở ủng hộ đối với ý kiến cụ thể để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân để tham khảo.

Dư luận cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân đối với Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự vừa rồi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Nhưng đối với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự thì thời gian lấy ý kiến khá dài. Còn lần này, thời gian lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chỉ có 2 tháng, như vậy, các cơ quan chức năng cần phải rất khẩn trương nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh làm hình thức. Vì thế, nếu làm không tốt sẽ gây tốn kém, lãng phí mà không đạt mục tiêu đề ra. Dư luận mong muốn các ban, ngành Trung ương, các địa phương cần tổ chức thật chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo tính khoa học, có chất lượng. Trong chỉ đạo thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên làm gương cho nhân dân tham gia góp ý là nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản của Bộ luật. Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa hình thức góp ý: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; trong đó đặc biệt coi trọng việc tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư… Các cơ quan thông tấn, báo chí bằng nhiều hình thức khác nhau tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phản ánh các nội dung liên quan đến Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), cung cấp thông tin phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân, nhất là những điểm mới của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); đồng thời, cần đưa tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân, tránh khai thác theo chiều hướng tiêu cực về ý kiến khác nhau.

Hoa Lê

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi