Thứ Ba, 30/4/2024

Thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên giới

Kết quả chủ yếu và một số vấn đề đặt ra

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có mối quan hệ gắn bó hữu nghị lâu đời, với tuyến biên giới dài 1.137 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam gồm Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đối diện với 9 tỉnh của Vương quốc Campuchia; có 34 huyện, 113 xã biên giới với 31 thành phần dân tộc và 6 tôn giáo chính; khoảng 210 ngàn hộ dân. Tuyến biên giới này hiện có 10 cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sông), 19 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường tiểu ngạch qua lại. Nhìn chung trong thời gian qua tình hình địa bàn biên giới Việt Nam - Campuchia cơ bản ổn định, việc sinh hoạt, trao đổi, qua lại giữa Nhân dân hai nước diễn ra trong hòa bình, hữu nghị. Tuy nhiên, địa bàn biên giới giữa ta và bạn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Việc phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới này ở một số điểm chưa hoàn thành do ta và bạn đang trong quá trình đàm phán, thương lượng. Trên tuyến biên giới này đã và đang trở thành địa bàn hoạt động, chống phá của các thế lực thù địch; vấn đề Việt kiều di dân tự do về sinh sống trên tuyến biên giới; việc thuê đất sản xuất; hạn chế nhập khẩu nông sản… trong đó lớn nhất vẫn là vấn đề tranh chấp biên giới do các thế lực cực đoan ở Campuchia gây ra nhằm tạo điểm nóng, gây bất ổn trong khu vực như vụ việc xảy ra gần đây tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh hay huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An…

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nhất là các Quân khu 5, 7, 9 đứng chân trên địa bàn thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp công tác dân vận của hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương trong thời gian qua đã tham gia giải quyết tốt, góp phần giúp cho tình hình địa bàn biên giới Việt Nam - Campuchia được giữ vững ổn định, hòa bình.

Báo cáo tham luận của các địa phương, các Quân khu, các Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam bộ đã nêu bật những kết quả đạt được mà ở đó có vai trò tích cực của công tác dân vận. Với phương châm “gần dân - bám trụ - kiên trì - mềm dẻo”, ban dân vận các cấp ở các tỉnh, thành phố có đường biên giới với Campuchia đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả, thực sự sâu sát, bám nắm cơ sở, gần dân, sát dân, vì quyền lợi của Nhân dân. Bên cạnh đó, cùng với các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có nhiều mô hình, điển hình mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là ở cấp cơ sở, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại các địa phương, cơ sở.

Các đơn vị LLVT trên địa bàn đã tăng cường công tác dân vận, chú trọng xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ công tác vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tự quản đường biên, cột mốc, tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia; tăng cường công tác đối ngoại Nhân dân, tạo mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai bên biên giới, đẩy lùi tội phạm,… góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn vùng biên giới.

Tuy nhiên, trên địa bàn biên giới giáp với Campuchia cũng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch và phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm trong xã hội để kích động, gây mâu thuẫn nội bộ, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta; vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền” để kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp. Việc phối hợp giữa công tác dân vận với công tác đối ngoại cũng như giữa các lực lượng còn có lúc, có nơi thiếu đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên. Công tác xây dựng lực lượng cốt cán, tập hợp đoàn viên, hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vùng biên giới còn nhiều bất cập…

Những kinh nghiệm rút ra

Trong phần phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phản ánh thực trạng tình hình, nhất là mối quan hệ giữa Nhân dân địa phương hai bên biên giới; những kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân vận góp phần giải quyết, làm ổn định tình hình, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Những kinh nghiệm được nhiều địa phương, đơn vị tâm đắc, rút ra là:

Một là, cấp ủy, chính quyền phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là ở các xã biên giới; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của khối dân vận để phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân sự, biên phòng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới (chương trình 134, 135, 30a, 167 của Chính phủ), làm nền tảng bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Hai là, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ở các xã biên giới hiểu rõ các hiệp ước, hiệp định về biên giới mà hai Nhà nước đã ký kết, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vụ việc trên biên giới, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; cảnh giác với luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề về biên giới để phá hoại mối quan hệ Việt Nam - Campuchia.

Ba là, lực lượng vũ trang chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý âm mưu, hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị; chú trọng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng vũ trang Campuchia đối diện trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa 3 lực lượng công an - quân sự - biên phòng theo tinh thần Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với chính quyền các huyện, xã biên giới làm tốt công tác kiểm tra, chủ động tham mưu cho chính quyền cấp tỉnh, huyện kế hoạch xử lý khi có tình hình phức tạp xảy ra. Phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia tổ chức tuần tra song phương bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới và thưc hiện tốt công tác phân giới cắm mốc.

Bốn là, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống; thiết lập, triển khai các nội dung hợp tác chiến lược toàn diện, đi vào chiều sâu và thực chất giữa Việt Nam và Campuchia. Hằng năm, tổ chức các cuộc tọa đàm, sơ kết công tác phối hợp bảo vệ biên giới với lực lượng vũ trang Campuchia. Tổ chức kết nghĩa giữa các đồn biên phòng, cụm dân cư 2 bên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân Campuchia sang Việt Nam thăm thân, trao đổi hàng hóa, khám, chữa bệnh. Chủ động tổ chức nhiều đợt công tác sang Campuchia hoặc mời các lực lượng vũ trang Campuchia sang giao lưu, ký kết thỏa thuận công tác phối hợp bảo vệ biên giới, đào tạo cán bộ…

 Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình Nhân dân khu vực biên giới để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, không để bất ngờ, bị động. Lực lượng vũ trang các cấp bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình; làm tốt công tác tuyên truyền đặc biệt; có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động chống phá, giảm mức thấp nhất, không để gây tác động, ảnh hưởng xấu trên khu vực biên giới.

Sáu là, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các xã biên giới,  không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ tiếng Campuchia; cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự bảo đảm năng lực tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền trong quản lý, bảo vệ biên giới.

Tiếp tục tăng cường công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng với các cơ quan, đơn vị của Bộ Ngoại giao, Quân đội, Công an, các Quân khu, các Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam bộ…; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đơn vị, hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề phức tạp, “điểm nóng” trong thời gian qua. Hệ thống chính trị ở địa bàn biên giới được củng cố, hoạt động có hiệu quả hơn. Nhiều phong trào, chương trình, nhiều hoạt động đa dạng hướng về khu vực biên giới phát huy được tác dụng, hiệu quả trên thực tế.

Ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của đại biểu, trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh Công tác dân vận ở vùng biên giới có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Đặc thù công tác dân vận trên địa bàn biên giới cũng chính là công tác đối ngoại Nhân dân nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác của nước ta đối với nước bạn; đồng thời vận động Nhân dân các nước ủng hộ đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta. 

Đồng chí nhấn mạnh một số nội dung công việc và lưu ý cấp ủy, chính quyền các địa phương, bộ, ngành liên quan cần quan tâm, tập trung thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia; đồng thời, vận động người dân làm công tác dân vận thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Các địa phương cần nắm chắc và dự báo được tình hình, hạn chế để xảy ra điểm nóng. Công tác dân vận phải được đổi mới cho phù hợp hơn, nhất là đổi mới phương thức vận động Nhân dân nơi biên giới. Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia là mối quan hệ lâu dài để vận động tuyên truyền người dân cả hai bên biên giới. Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; xây dựng lực lượng nòng cốt, người có uy tín. Chú trọng công tác phối hợp các lực lượng để xử lý tốt điểm nóng khi xảy ra.

Việt Hải (thực hiện)

Các bài khác

TẠP CHÍ IN