Thứ Ba, 30/4/2024

Công tác dân vận phải sát hợp thực tiễn, vì cuộc sống của Nhân dân*

Tại hội nghị sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2017, sau khi nghe Báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, đã có nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; trong đó có ý kiến phát biểu của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Các ý kiến phát biểu thống nhất về đánh giá kết quả công tác dân vận của hệ thống chính trị và những nhiệm vụ trọng tâm; trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận ở các góc độ khác nhau, phản ánh thêm tình hình và những vấn đề cần quan tâm trong đời sống Nhân dân, những lựa chọn ưu tiên để triển khai công tác dân vận một cách đồng bộ, hiệu quả.

Qua các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cùng kết quả công tác dân vận 6 tháng đầu năm, cho thấy, càng ngày càng phải coi trọng công việc với dân và những công việc với dân phải rất cụ thể, thiết thực. Có việc khó, việc chưa làm được, nhưng nếu thực sự có ý thức trách nhiệm, chân thành thì vẫn luôn nhận được sự tôn trọng, ủng hộ và đồng thuận của Nhân dân. Yêu cầu về củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới công tác dân vận, xem công tác dân vận là cốt lõi trong quan hệ với dân và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bài học này luôn được thể hiện sống động trong thực tiễn và cuộc sống của Nhân dân.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dân vận trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh những nội dung đã được đề cập tại Báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, đề nghị Ban Dân vận các địa phương, các Đảng ủy tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, ưu tiên việc triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng đối với công tác dân vận sau khi các Đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua, trọng tâm là: (1) Tổng kết 15 năm Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo; (2) Kế hoạch tăng cường công tác dân vận của Đảng và chính quyền để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị; (3) Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy vai trò của Nhân dân góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (theo Kế hoạch số 04-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII); (4) Xây dựng cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên (theo Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII); (5) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; (6) Tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư (khóa VI) về “Công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát các văn bản của Đảng về công tác dân vận, như: Nội dung công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; các văn bản về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đó là những vấn đề rất cốt lõi trong công tác dân vận.

Để cụ thể hóa Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch về thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Đây là văn bản pháp luật rất quan trọng để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai; Ban Dân vận phải tổ chức kiểm tra, giám sát, tham mưu cho cấp ủy đảng tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nội dung quan trọng này.

 Đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, kết hợp kiểm tra và giám sát, tiếp tục đánh giá, góp phần đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình mới đối với Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình phối hợp về công tác dân vận. Đây là công việc rất quan trọng của Ban Dân vận nhằm thúc đẩy hệ thống chính trị làm công tác dân vận theo Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Tiếp tục phối hợp các lực lượng để nắm chắc tình hình Nhân dân, dự báo được những tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tiễn cho thấy, ở địa phương, đơn vị nào đánh giá, dự báo được tình hình thì giải quyết công việc có hiệu quả, không để xảy ra bị động, bất ngờ. 

Phối hợp công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, những vấn đề phát sinh có thể trở thành điểm nóng, điểm phức tạp để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết có hiệu quả.

Mới đây nhất, Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã có hiệu lực. Nghị quyết này hướng đến mục tiêu giảm nhiều thủ tục phiền hà cho Nhân dân. Đây là sự nỗ lực rất quan trọng của Chính phủ đối với Nhân dân và cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dân vận trong quá trình chăm lo, đảm bảo điều kiện đời sống của Nhân dân.

Vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở hiện nay được Đảng rất chú trọng; tới đây, Ban Dân vận Trung ương sẽ nghiên cứu tổ chức hội thảo về công tác dân vận trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong bối cảnh hiện nay.  

Thứ tư, tham mưu, tạo điều kiện đảm bảo cho các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và một số hội quần chúng, tổ chức tôn giáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ thành công tốt đẹp.

Thứ năm, tiếp tục sơ kết các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong phương thức thực hiện, tạo hiệu quả và sức lan tỏa rộng lớn hơn.

Thứ sáu, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị, với những đề xuất liên quan đến Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức bộ máy, công tác cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, Ban Dân vận Trung ương sẽ tổng hợp, tiếp thu để xây dựng Đề án phục vụ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, đóng góp cho Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo ở góc độ tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, đặc biệt đối với tổ chức cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Ban Dân vận Trung ương xin ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống công tác dân vận và đội ngũ cán bộ dân vận trong cả nước. Cảm ơn các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm phối hợp để công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị ngày càng có hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của Đảng, của Nhân dân.

Trước mắt cũng như lâu dài, công tác dân vận sẽ còn gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đi lên của đất nước. Nhưng, với sự phối hợp chặt chẽ trên tinh thần trách nhiệm chung, chúng ta sẽ tạo được sự đồng thuận của Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quan trọng nhất là đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những người dân còn khó khăn trong cuộc sống sẽ tiếp tục được cải thiện, nâng cao. Đó cũng chính là sự đóng góp tích cực và sâu sắc của công tác dân vận trong mục tiêu của Đảng, của Nhà nước, để không một ai bị bỏ lại phía sau như Thông điệp của Liên hợp quốc về mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

* Đầu đề của Tạp chí Dân vận

Trương Thị Mai
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Các bài khác

TẠP CHÍ IN