Thứ Ba, 30/4/2024

Bình Dương: Xây dựng “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ”

Thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tập trung xây dựng và cụ thể hóa các nội dung công tác dân vận của chính quyền, đồng thời chỉ đạo triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4760/KH-UBND ngày 30/12/2015 về việc thực hiện xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích: Đảm bảo cơ quan nhà nước các cấp tổ chức thực hiện tốt việc phục vụ Nhân dân khi đến giải quyết công việc hành chính; xây dựng và đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng thân thiện, gần gũi, vì Nhân dân phục vụ, trên tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ thân thiện, trọng dân, gần dân; và quan trọng nhất là cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ số quản trị và hành chính công các cấp (PAPI); chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh chính quyền Bình Dương thân thiện trong nhận thức, nhìn nhận, đánh giá của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Việc xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện thực chất chính là sự gắn kết các công việc như cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ, chấn chỉnh lề lối tác phong, xây dựng đạo đức công vụ, giải quyết tốt việc khiếu nại tố cáo, công tác đối thoại và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng cán bộ, công chức thực sự là công bộc của dân nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động chính quyền, cơ quan nhà nước.

Trong 2 năm 2014 - 2015, công tác này đã được triển khai thí điểm tại 35 địa phương, đơn vị và được tổ chức triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, tạo sự thân thiện, gần gũi trong quan hệ, giao tiếp, ứng xử, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đã có nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, được UBND tỉnh tặng Bằng khen, đặc biệt Mô hình chính quyền thân thiện ở UBND xã Bình Mỹ,  huyện Bắc Tân Uyên đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và là mô hình đơn vị cấp xã duy nhất trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.

Xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện được thực hiện qua 2 bước chính. Đầu tiên là tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về công tác dân vận của chính quyền; về ý nghĩa, nội dung, cách thức thực hiện xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ”, về Quy chế dân chủ, văn hóa công sở và nhất là các văn bản chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước theo Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 4760/KH-UBND của UBND tỉnh và hướng dẫn của các ngành chức năng về xây dựng “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện”.

Bước thứ 2 là triển khai thực hiện các nội dung cụ thể. Tiêu biểu là đã tổ chức xây dựng và thực hiện các bảng khẩu hiệu, các mẫu thư và khảo sát lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Tất cả các cơ quan, đơn vị và các địa phương đều phải xây dựng và thực hiện khẩu hiệu: “Cán bộ, công chức, viên chức (tên địa phương, cơ quan) quyết tâm thực hiện tốt 5 biết: biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn và 3 thể hiện: tôn trọng (trong quan hệ giao tiếp), văn minh (lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc), gần gũi (trong quan hệ, giải quyết công việc nhanh chóng, không quan cách, trịch thượng, xa cách).  Thực hiện các mẫu thư, trong đó có “Thư xin lỗi” đối với các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc hành chính không đúng hẹn, chưa kịp thời. Tổ chức khảo sát lấy ý kiến của Nhân dân đánh giá, nhận xét đối với cách thức giải quyết công việc, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua phiếu khảo sát, phần mềm khảo sát. Xây dựng môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp, trong lành, thân thiện; đặc biệt triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính cấp tỉnh tập trung tại Trung tâm hành chính công tỉnh, theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình thụ lý hồ sơ toàn tỉnh thông qua phần mềm một cửa điện tử.

Các địa phương, đơn vị trong chính quyền tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về triển khai cải cách nền hành chính quốc gia, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và quy trình giải quyết tại chỗ và trên Trang thông tin hành chính công tỉnh; sắp xếp, bố trí bàn hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện công khai số điện thoại, thư điện tử của lãnh đạo địa phương, đơn vị hoặc đường dây nóng tại nơi tiếp công dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết hợp thực hiện ISO hành chính và các hướng dẫn nâng cao chỉ số cải cách hành chính; chú trọng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho người khuyết tật.

Việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các địa phương, đơn vị được gắn với đăng ký và làm tốt các nội dung của Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, gắn với tăng cường và thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, phản biện theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung dân chủ cơ sở theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định; xây dựng, thực hiện văn hóa công sở theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ; UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức xây dựng và thực hiện tốt quy chế tiếp công dân của cơ quan hành chính cấp huyện theo Luật Tiếp công dân, Quy chế đối thoại với Nhân dân theo Điều 125 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các cấp chính quyền tỉnh cũng tạo thuận lợi cho Nhân dân tham gia góp ý cũng như thực hiện việc tiếp thu, giải trình trước Nhân dân; tiếp tục nâng cao hiệu quả trong tổ chức tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

Tuy mới đưa vào thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ” nhưng tỉnh đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền các cấp cần quán triệt tư tưởng và thực hiện nghiêm túc “5 biết” - đặc biệt là “biết xin lỗi”. Bởi xin lỗi là việc làm không dễ dàng, khi có lỗi không những phải xin lỗi với thái độ chân thành, cầu thị mà còn phải có biện pháp khắc phục lỗi ngay chứ không chỉ “nói suông”.

Thứ hai, từ việc xác định chủ thể được phục vụ là công dân, cá nhân và tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền các cấp phải có cách cư xử đúng mực, tôn trọng, gần gũi, thân thiện trong giao tiếp, có phong cách phục vụ văn minh, có văn hóa. Chỉ có sự gần gũi, thân thiện của cán bộ, công chức, viên chức - là người đại diện của Nhà nước mới tạo được sự tin cậy, giúp giải quyết được các vướng mắc phát sinh trong công việc nhanh chóng.

Thứ ba, các đơn vị, địa phương cần xây dựng tập thể cán bộ, công chức, viên chức là những người có uy tín, tâm huyết, thật sự yêu nghề, mến việc; biết giữ chữ tín, giữ lời hứa trong phục vụ Nhân dân. Thông qua tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chất lượng công việc, thời gian giải quyết công việc cũng như các ý kiến đóng góp khác. Đây là cơ sở để lãnh đạo xem xét, đề ra các biện pháp, giải pháp chấn chỉnh, củng cố và nâng cao chất lượng phục vụ.

Mặt khác, các đơn vị, địa phương phải lấy sự hài lòng của cá nhân và tổ chức làm tiêu chí phấn đấu, làm thước đo chất lượng phục vụ đối với người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, bài học về đối thoại và sự đồng cảm với cái khó của người dân. Đối thoại với Nhân dân chính là một trong các kênh quan trọng trong việc “biết nghe dân nói”, “biết nói dân hiểu” của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở - là cấp gần dân nhất. Thông qua đối thoại, chính quyền sẽ hiểu, đồng cảm và chia sẻ những tâm tư, tình cảm, bức xúc của người dân và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; đồng thời qua đối thoại, khoảng cách giữa chính quyền và người dân trở nên gần hơn; người dân và chính quyền sẽ có sự gắn bó, cảm thông, hiểu nhau hơn.

Từ những kết quả đạt được, để thực hiện tốt việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ” trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện một số công việc trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về mô hình; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; phát huy dân chủ theo quy định; xây dựng đạo đức công vụ, thực hiện văn hóa công sở, quy tắc ứng xử theo quy định của Trung ương.

Hai là, xem xét, giải quyết đúng pháp luật, kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện tốt đối thoại với Nhân dân và tiếp công dân theo quy định.

Ba là, bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất phù hợp với mô hình, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho tất cả mọi người dân.

Mai Sơn Dũng
TUV, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương

Các bài khác

TẠP CHÍ IN