Thứ Ba, 30/4/2024

Vận động nông dân thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất

Tích tụ, tập trung ruộng đất là một chủ trương đúng đắn

Một trong những định hướng lớn để sớm đạt mục tiêu nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là phát triển nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo định hướng đó, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ: “Có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất”. Đó là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp khi kinh tế hộ không còn động lực như trước, tạo điều kiện để áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa cơ giới hóa vào các khâu canh tác như làm đất, gieo trồng, thu hoạch… góp phần tăng năng suất lao động trong nông nghiệp. Tích tụ, tập trung ruộng đất là điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, là yếu tố quan trọng góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Tích tụ, tập trung ruộng đất cũng góp phần khắc phục một số hạn chế của nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, nước ta có trên 12 triệu hộ nông dân, bình quân chỉ có 0,3 ha đất canh tác mỗi hộ, lại phân tán, manh mún trên khoảng 78 triệu mảnh ruộng. Năng suất lao động nông nghiệp, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích rất thấp. Mặc dù nông nghiệp Việt Nam có nhiều sản phẩm bán ra thị trường ngoài nước với sản lượng khá lớn như gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều, quả tươi, tôm, cá tra… nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, không có thương hiệu quốc tế và giá trị thấp. Tình trạng thanh niên bỏ nghề nông khá phổ biến và số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là số doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn ít.

Tích tụ, tập trung ruộng đất là một tất yếu khách quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần phải được cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tích cực.

Một số phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất hiện nay

Để thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, nhiều địa phương đã vận động nông dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp theo các phương thức:

Phương thức “dồn điền, đổi thửa”

Đây là phương thức được hầu hết các địa phương thực hiện từ rất sớm và được đông đảo nông dân hưởng ứng nên đạt một số kết quả bước đầu. Từ chỗ một hộ có nhiều mảnh ruộng (có xa, có gần, có tốt, có xấu) với diện tích mỗi mảnh nhỏ bé nay được chuyển đổi giữa các hộ với nhau nên mỗi hộ chỉ còn một đến hai mảnh ruộng có diện tích lớn hơn, thuận lợi cho canh tác. Tuy nhiên, việc “dồn điền, đổi thửa” vẫn chưa khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún nên khó đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, khó tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Phương thức hộ nông dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp

Đây là phương thức tạo điều kiện cho doanh nghiệp có diện tích canh tác lớn và chủ động sản xuất kinh doanh, yên tâm đầu tư lâu dài vào đất đai của mình. Hộ nông dân sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất có được một số vốn để đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế của phương thức này là doanh nghiệp phải bỏ ra một lượng vốn lớn và một bộ phận nông dân sử dụng đồng tiền không hiệu quả nên dễ thất nghiệp khi đã chuyển nhượng ruộng đất của mình dẫn đến cuộc sống không ổn định, trở thành hộ nghèo.

Phương thức các hộ nông dân góp vốn bằng đất vào doanh nghiệp.

Đây là phương thức mà các hộ nông dân có ruộng thỏa thuận với doanh nghiệp ký kết góp vốn để cùng sản xuất kinh doanh, cùng chia lợi nhuận hàng năm. Phương thức này có mặt tích cực là các hộ nông dân vẫn có việc làm, vẫn còn bìa đất và có thu nhập nếu doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, thì không phải bỏ ra một lượng vốn lớn để mua quyền sử dụng đất (bìa đất), có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh. Phương thức này được Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng một số địa phương thực hiện khi phát triển cây cao su ở Tây Bắc… Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc hạch toán không công khai, minh bạch, ăn chia, phân phối lợi nhuận không công bằng thì hộ nông dân thua thiệt, cuộc sống không ổn định.

Phương thức nhà nước đền bù đất cho nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại thực hiện dự án

Đây là phương thức khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhờ thu hồi đất nhanh, giao đất cho doanh nghiệp thuê với giá thấp, giúp doanh nghiệp có vốn sản xuất và yên tâm đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, nông dân sẽ thua thiệt vì giá đền bù thấp và sẽ không có việc làm khi mất ruộng mà doanh nghiệp không tạo điều kiện thuận lợi ký hợp đồng lao động cho họ.

Phương thức doanh nghiệp thuê đất của nông dân

Đây là phương thức doanh nghiệp và các hộ nông dân thỏa thuận ký hợp đồng thuê đất với giá cả hợp lý được hai bên đồng thuận để thực hiện dự án nông nghiệp. Phương thức này được nông dân và địa phương ủng hộ, khuyến khích vì người nông dân có ruộng cho thuê yên tâm vẫn giữ được quyền sử dụng đất (bìa đất) mà hàng năm được nhận tiền cho thuê đất. Nếu doanh nghiệp còn tạo điều kiện ký hợp đồng lao động thì hộ nông dân  có việc làm tại chỗ, có cuộc sống ổn định lâu dài. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng chỉ bỏ ra một lượng vốn không lớn như phương thức nông dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và phải tính toán, cân nhắc kỹ để sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Những khó khăn chủ yếu khi thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã năng động, sáng tạo có nhiều hình thức, bước đi để tích tụ, tập trung ruộng đất có kết quả bước đầu như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình... Một số nơi xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả như doanh nghiệp Lộc Trời ở An Giang. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra chậm chạp do gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trước hết là khó khăn về nhận thức. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về sự cần thiết phải tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đầy đủ, chưa thống nhất nên chưa có quyết tâm cao cả trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đồng thuận của người dân. Tâm lý giữ ruộng đất như một tài sản kế thừa của các thế hệ gia đình còn nặng. Cơ sở lý luận về tích tụ, tập trung ruộng đất và thực tiễn của một số mô hình sử dụng đất nông nghiệp hiện nay như mô hình trang trại, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác… chưa đủ sức thuyết phục nông dân hăng hái, tích cực thực hiện. Văn bản pháp luật liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất chưa hoàn thiện như quyền hạn sử dụng đất, quy định giao đất, cho thuê đất, thời hạn giao đất, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, về chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp và việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, điều kiện sản xuất phụ thuộc thiên nhiên, có nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu… Trình độ sản xuất và việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều lao động đến làm việc nên tỷ lệ lao động nông nghiệp so với dân số còn cao. Ngoài ra, vấn đề bảo vệ quyền tài sản về đất đai của người dân trong tiến trình mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của chính quyền địa phương một số nơi chưa tốt. Bên cạnh những doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư vào nông nghiệp một cách chân chính, đã xuất hiện một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất bắt tay với một bộ phận cán bộ chính quyền tha hóa để trục lợi. Có doanh nghiệp lập dự án để bán trao tay hoặc “phù phép” xin chuyển đất nông nghiệp sang đất thương mại để có được “siêu lợi nhuận”…

Công tác dân vận tham gia thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất

Thứ nhất: Phối hợp, tham mưu tích cực cho cấp ủy đảng lãnh đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng về các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, đến chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất.

 Phối hợp với các ngành chức năng như tuyên giáo, thông tin - truyền thông, cơ quan báo chí để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên cho các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân. Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo chính quyền tăng cường quản lý nhà nước về đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ hợp tác và hộ nông dân sử dụng có hiệu quả ruộng đất, thu lại giá trị kinh tế cao trên từng đơn vị đất đai. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất việc một số doanh nghiệp lợi dụng cán bộ chính quyền để kinh doanh đất đai trái pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của nhà nước và quyền lợi chính đáng của nông dân.

Thứ hai: Có nhiều hình thức năng động, sáng tạo, thiết thực để hướng dẫn, vận động nông dân đồng thuận thực hiện phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất.

Trên cơ sở thực tế của địa phương và việc khảo sát, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất để hướng dẫn, vận động nông dân lựa chọn, thực hiện. Công tác dân vận vừa góp phần tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo chính quyền tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đi đôi với việc vận động, tập hợp, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nông dân trong thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, công tác dân vận cũng phải làm tốt công tác vận động nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo phương thức thuê quyền sử dụng đất của nông dân. Nông nghiệp chỉ có thể phát triển nhanh, bền vững khi mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước chặt chẽ, hiệu quả.

Thứ ba: Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất.

Trước hết, phối hợp làm tốt công tác vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiêp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, bền vững. Tham gia nghiên cứu, đóng góp và kiến nghị với nhà nước sớm bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, tham gia giám sát các cấp chính quyền thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đất đai nói chung, quản lý đất đai nông nghiệp nói riêng.

Thứ tư: Phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu cho ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tăng cường kiểm tra việc thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất.

Song song với việc tham mưu cho ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hàng năm kiểm tra công tác dân vận của các cơ quan nhà nước phải định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá khách quan các phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất và kết quả thực hiện chủ trương này. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giai cấp nông dân, chính quyền các cấp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quan tâm công tác đào tạo nghề, chuyển lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời chăm lo ngày càng tốt hơn công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn văn minh, xanh, sạch, đẹp để nông dân yên tâm, gắn bó với quê hương, thực hiện “ly nông không ly hương”.

Tích tụ, tập trung ruộng đất là một chủ trương đúng đắn, hợp quy luật, là đòi hỏi cấp thiết, phải có quyết tâm chính trị cao, nhất là trách nhiệm của những người đứng đầu các cấp, các ngành. Đồng thời, phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước đi vững chắc, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, coi trọng công tác tư tưởng, vận động tập hợp nông dân, tránh chủ quan, nóng vội,  hình thức, theo kiểu phong trào... Thực hiện việc tích tụ, tập trung ruộng đất có kết quả tốt sẽ góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cải thiện đời sống nông dân và góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài khác

TẠP CHÍ IN