Thứ Ba, 30/4/2024

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI)

Hơn ba năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt; vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được nâng lên. Kết quả đạt được thể hiện trên một số mặt như sau:

Thứ nhất, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội 3 năm qua đã được thể chế hóa với nhiều quy định cơ bản, đồng bộ như: Luật MTTQ Việt Nam đã được Quốc hội thông qua năm 2015, Nghị định 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, Thông tư 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát, phản biện xã hội. Đây là một tiến bộ quan trọng trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và trong thể chế chính trị của nước ta, đồng thời là kết quả rất cơ bản, quan trọng trong 3 năm thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật MTTQ Việt Nam. Ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tất cả các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát ở cấp Trung ương ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về lĩnh vực thuế, hải quan; an toàn thực phẩm; xác định sự hài lòng của Nhân dân đối với các dịch vụ hành chính công; thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và Luật Khoa học, công nghệ; Luật Hợp tác xã… đều đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ đã tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị và triển khai các chương trình giám sát. Chính phủ đã cấp kinh phí cho những hoạt động giám sát nêu trên trong 3 năm 2014-2016.

Ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, hầu hết các huyện và các xã đã triển khai hoạt động giám sát theo nhu cầu của địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền các cấp. Qua theo dõi, đánh giá tổng hợp chung cho thấy: Ở Trung ương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã tổ chức thực hiện 10 chương trình giám sát; ở địa phương, 63 tỉnh thành đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc.

Hoạt động giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị qua 3 năm triển khai đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, có nơi xem là hoạt động đột phá của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hiện thực hóa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Thứ ba, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngân hàng; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.

Thứ tư, các ý kiến tại các hội nghị đối thoại các cấp do MTTQ Việt Nam tổ chức đều được người đứng đầu tiếp thu giải trình, hầu hết các ý kiến được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại. Trong 3 năm qua đã tổ chức được 90.841 cuộc đối thoại trực tiếp, góp phần quan trọng tạo môi trường dân chủ cho đời sống chính trị xã hội của đất nước, nhất là ở cở sở. Người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của các địa phương qua đó đã giúp họ yên tâm sản xuất, tích cực tham gia vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ năm, ngoài những kết quả trực tiếp mà hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền mang lại, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Qua đó, góp phần bảo đảm và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Có thể nói 3 năm qua thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW  của Bộ Chính trị với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, sáng tạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của cấp ủy các cấp địa phương, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành hoạt động cơ bản, thực sự có tác dụng xã hội, được thể chế hóa đầy đủ, trở thành một điểm nhấn quan trọng trong thực hiện quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thiết thực vào việc xây dựng Đảng, Nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Qua hơn 3 năm thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số vấn đề đặt ra như: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền nói chung, nhất là hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực tế nhìn chung vẫn chưa thực sự bài bản, công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế và quy trình thống nhất thể hiện quan hệ của 4 bên: Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng được giám sát và cấp ủy các cấp. Nhiều nơi vẫn còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng. Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã được các tỉnh, thành phố triển khai đồng thời cùng Quyết định số 217-QĐ/TW, nhưng ở một số địa phương, sức lan tỏa, độ thấm, hiệu quả mang tính chiều sâu chưa thực sự như mong đợi. Việc góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và góp ý với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền còn hạn chế.

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội mới chủ yếu tổ chức giám sát các hoạt động của tổ chức kinh tế và các tổ chức sự nghiệp. Đối với hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan dân cử và cơ quan tư pháp thì Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ yếu cử đại diện tham gia các đoàn giám sát do các cơ quan nhà nước tổ chức, chưa chủ trì tổ chức được nhiều các hoạt động giám sát độc lập.

Còn có hiện tượng né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và góp ý trong các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Số lượng và chất lượng của lực lượng cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa tương xứng, chưa có kinh nghiệm giám sát xã hội.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giám sát, phản biện trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của các thiết chế dân chủ ở cơ sở (Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng…) để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được triển khai hiệu quả trong cả nước.

Hai là, nâng cao vai trò của chủ thể giám sát, phản biện, năng lực cán bộ Mặt trận. Xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội không chồng chéo, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết những vẫn đề bức xúc của Nhân dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành cuốn “Sổ tay công tác công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ”; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể.

Bốn là, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương có hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội 2017-2020 trong hệ thống MTTQ Việt Nam và hệ thống Đảng các cấp. Hướng dẫn quy trình, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; xây dựng thông tri hướng dẫn hoạt động cho Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Các tỉnh thành chưa có quy chế tiếp thu ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, quy chế tiếp xúc, đội thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần đề nghị cấp ủy ban hành; phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri thay thế Nghị quyết số 525 ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội hiện nay.

Năm là, thường xuyên quan tâm tiến hành sơ kết các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa học”, kịp thời nhân rộng cách làm hay, từ chọn làm điểm đến mở rộng để hoàn thiện quy trình, tích lũy kinh nghiệm thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý của Mặt trận. Coi trọng việc chuyển giao kinh nghiệm giám sát, phản biện xã hội cũng như các lĩnh vực, nội dung giám sát, phản biện cho các tổ chức thành viên và Ban Thường trực  MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương.

Trần Thanh Mẫn
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN