Thứ Ba, 30/4/2024

“Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”

BHYT là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước. BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước quản lý và thực hiện để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, không vì mục đích lợi nhuận. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, qua đó giúp họ khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh.

Chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa tập trung chỉ đạo thực hiện. Luật BHYT đã được ban hành vào năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý quan trọng để mọi tổ chức và công dân thực hiện nghiêm túc chính sách BHYT, đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách BHYT. Để góp phần nhanh chóng đưa Luật BHYT vào cuộc sống, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Đây là những cơ sở quan trọng trong thực hiện công tác BHYT với mục tiêu chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của mọi người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 01/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Điều đó thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành bảo hiểm xã hội và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng. Sau 8 năm thực hiện Luật BHYT, nhận thức của Nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về BHYT ngày càng được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã có những chuyển biến rõ nét; việc mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao. Người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn Quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí lớn đã được Quỹ BHYT chi trả.

Tỷ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011 và đến nay là trên 82%. Phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện nay, chi phí khám, chữa bệnh của đối tượng tham gia BHYT chiếm 70 - 90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc Quỹ BHYT thanh toán ngày càng mở rộng. Hệ thống thông tin giám định đã liên thông trên 12.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã ký với gần 9.900 tổ chức gồm 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận mua thẻ BHYT. Tính đến nay, cả nước đã có trên 76 triệu người tham gia BHYT và 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã có khoảng trên 75 triệu lượt người khám, chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả.

Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ trên cơ sở định hướng tài chính y tế chuyển dần từ cơ chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân tham gia BHYT đã góp phần bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 41% năm 2016. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Mới đây, phát biểu tại Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 90% dân số nước ta tham gia BHYT. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc về vai trò quan trọng của BHYT, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tập trung thực hiện một số giải pháp.

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT; cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm bình đẳng việc khám, chữa bệnh BHYT tại bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân. 

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.

Ba là, xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

Bốn là, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám, chữa bệnh bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai, minh bạch.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật của BHYT, bảo hiểm xã hội, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động tích cực tham gia BHYT.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. Thủ tướng nêu rõ: “Với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho những người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau bệnh tật”. Giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc.

Trương Thanh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN