Thứ Ba, 30/4/2024

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh: Nâng cao hiệu quả công tác chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia có hàng vạn người Hà Tĩnh tham gia quân đội, hàng vạn người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, để một phần xương máu trên chiến trường. Biết bao gia đình tiễn con em lên đường đánh giặc và không bao giờ gặp lại, hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”; những năm qua Đảng bộ, Nhân dân, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện hiệu quả, toàn diện công tác chính sách thương binh - liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Tỉnh đã tổ chức giáo dục, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, hướng dẫn của trên đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; đặc biệt là Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/9/2013 của Chính phủ về “Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh người có công với cách mạng”; Chỉ thị 02/CT-TTg, ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng”; Chỉ thị 368- CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội giai đoạn 2016-2020” tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Trên cơ sở đó Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy; UBND tỉnh ban hành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo; quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các quyết định của Chính phủ về giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng cấp tỉnh tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, công nhận trên 359.000 người có công, trong đó: 1.930 Mẹ Việt Nam anh hùng, 37.301 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 10.017 bệnh binh; 26.245 liệt sĩ; 6.180 người bị nhiễm chất độc hóa học; 215.155 người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân, Huy chương… Tỉnh đã chủ động, tích cực giải quyết chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định số 49/2015-TTg; đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định  số 62/2011/QĐ-TTg bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc; cơ bản giải quyết xong chế độ đối với người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết chế độ chính sách 721 trường hợp vợ liệt sỹ tái giá (theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP); hàng năm thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 46.000 người, trợ cấp một lần 25.000 lượt người và các chính sách khác, với kinh phí trên 1.050 tỷ đồng.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm triển khai với nhiều hoạt động phong phú, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu rộng; vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia đóng góp. Chỉ tính riêng từ năm 2011 - 2016, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động trên 44,5 tỷ, hỗ trợ xây mới, nâng cấp sửa chữa 6.062 nhà ở (xây mới 4.095 nhà, sửa chữa 1.967 nhà) với kinh phí 173 tỷ đồng, tặng 5.063 sổ tiết kiệm; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm điều dưỡng người có công với kinh phí 4 tỷ đồng. Hàng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công và đối tượng chính sách nhân dịp lễ, Tết hơn 120 ngàn đối tượng, với số tiền trên 23 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức xây mới, nâng cấp 84 lượt nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện và nhà bia ghi tên liệt sỹ cấp xã; từ năm 2011 đến nay đã tổ chức quy tập, an táng 197 hài cốt liệt sĩ. 96% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 92% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú. Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn xã hội trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh, được gia đình, thân nhân người có công và Nhân dân ghi nhận.

Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc đầu tư xây dựng Nhà thờ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn với quy mô 30.000m2, tổng mức đầu tư 30,95 tỷ đồng. Trong đó có Nhà thờ với diện tích 171m2 được xây dựng hài hòa phù hợp với truyền thống văn hóa của 2 nước Việt Nam - Lào. Dự án chính thức được lãnh đạo hai tỉnh trang trọng cắt băng khánh thành vào ngày 24/12/2016, đã thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo 2 tỉnh Hà Tĩnh - Bôlykhămxay cũng như nguyện vọng của thân nhân liệt sỹ và của mọi người dân.

Trong số trên 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước, Hà Tĩnh có 1.930 mẹ, trong đó 83 mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Hiện nay Bộ CHQS tỉnh nhận phụng dưỡng 15 mẹ; hàng tháng thủ trưởng cơ quan, đơn vị đến tặng quà không chỉ về giá trị về vật chất, nhưng cái quý hơn đó là giá trị về tinh thần, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Để thực hiện tốt công tác chính sách về thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, theo chúng tôi trong thời gian tới cần tiến hành một cách toàn diện trong đó tập trung một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức các hoạt động tri ân, tôn vinh, biểu dương người có công tiêu biểu, các điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng, củng cố và phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa để phong trào mang tính tự nguyện, tự giác; xã hội hóa ngày càng cao.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nâng cao hơn nữa năng lực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND có nhiều biện pháp lãnh đạo; chỉ đạo thiết thực, hiệu quả công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Đẩy mạnh phong trào chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tổ chức tốt việc gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách nhân các ngày lễ, Tết. Thực hiện tốt Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, chương trình tu sửa, tôn tạo và làm mới nghĩa trang liệt sỹ, đài liệt sỹ.

Ba là, tập trung làm tốt việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh vì lý do khách quan chưa được giải quyết (chủ yếu là những trường hợp bị thương, hy sinh nhưng không còn lưu giữ được giấy tờ). Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị định số 31/2013/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLTBLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo quy trình ban hành tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 và chế độ dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, Nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”.

Bốn là, thường xuyên duy trì, đẩy mạnh phong trào thi đua, các cuộc vận động, tạo động lực, nguồn lực để thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Phát huy vai trò của các tổ chức, các đoàn thể tham gia các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; quyên góp quỹ “Xóa đói, giảm nghèo”, và các dự án, các chương trình tình nghĩa; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc, đạt hiệu quả cao phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Phát huy vai trò cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách phải chặt chẽ, thống nhất, đúng quy trình; rà soát, xét duyệt, thẩm định hồ sơ đảm bảo kịp thời, dân chủ, công bằng, công khai, đúng đối tượng; thái độ tận tình, chu đáo. Thường xuyên bám nắm cơ sở, hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai sót. Tổ chức tốt sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm qua từng đợt, từng giai đoạn.

Trung tá Nguyễn Đăng Mong
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh

Các bài khác

TẠP CHÍ IN