Thứ Ba, 30/4/2024

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc’’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề xây dựng phong cách dân vận của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Giá trị và ảnh hưởng to lớn của nhân cách Hồ Chí Minh đối với Đảng, với dân tộc Việt Nam và quốc tế được tạo nên bởi nhiều nhân tố, trong đó phải nói tới phong cách làm việc của Người. Đó là phong cách làm việc mẫu mực của một lãnh tụ chính trị, một nhà văn hóa và nhà khoa học chân chính, thể hiện rõ sự thống nhất biện chứng giữa tính chính trị - giai cấp, tính khoa học, vừa thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả và vừa triết lý hành động vì con người của một nhà văn hóa lớn. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là lề lối, cung cách, cách thức làm việc của người lãnh đạo mà đối tượng của sự lãnh đạo đó là cấp dưới, là quần chúng Nhân dân. Để đạt được mục tiêu lãnh đạo, Hồ Chí Minh đã tác động vào quần chúng Nhân dân bằng một tác phong rất gần gũi, sâu sát, với cách thức phù hợp để phát huy cao nhất vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(1). Người nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”(2).

Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của quần chúng Nhân dân. Người cũng nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải phê phán và đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh. Người yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành và Trung ương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít. Người không chỉ nói, viết để giáo dục cán bộ về phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng mà Người đã thể hiện phong cách đó một cách mẫu mực để mọi người học tập và làm theo. Thực tế cho thấy, nhờ phong cách làm việc sát hợp quần chúng mà Hồ Chí Minh đã “đưa chính trị vào giữa dân gian”, hòa mình với quần chúng để nghe được những điều quần chúng nói, thấu hiểu quần chúng để lãnh đạo quần chúng làm cách mạng.

1. Hồ Chí Minh có phong cách làm việc thật sự dân chủ, tôn trọng tập thể. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của một đảng cách mạng chân chính; là điều mà Hồ Chí Minh đã nói nhiều và đã thực hành trong quá trình làm việc với quần chúng, với cấp dưới, với cán bộ cao cấp, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cách mạng. Theo Người, trong công tác lãnh đạo, quản lý mà thực hành được dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, biết lắng nghe ý kiến của mọi người thì sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo và quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, tạo nên sức mạnh to lớn để giải quyết những khó khăn, phức tạp và giành thắng lợi cho cách mạng.

Trong suốt quá trình công tác, Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng về việc tôn trọng tập thể, phục tùng các quyết định của tổ chức, luôn tôn trọng ý kiến của mọi người, không phân biệt chức vụ cao thấp. Trước khi quyết định vấn đề gì, Người đều hỏi lại cẩn thận, chu đáo những người và cơ quan đã giúp mình chuẩn bị công việc. Người đã sớm cảnh báo về hiện tượng mất dân chủ, không tôn trọng tập thể trong công tác của cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền cao. Phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn đối lập với kiểu làm việc áp đặt mệnh lệnh hành chính, độc đoán chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tùy tiện, tự do vô chính phủ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lối làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể phải đi liền với sự quyết đoán và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ”(3).

2. Nét đặc sắc trong phong cách của Hồ Chí Minh là làm việc có tính khoa học. Người làm việc tận tâm, tận lực, làm việc với lòng nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân và cách làm việc rất khách quan, khoa học, cụ thể, thiết thực. Ở đây có một sự thống nhất hài hòa trong con người Hồ Chí Minh với cả tư cách của nhà cách mạng và nhà khoa học. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, phất phơ cốt cho hết ngày không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể thiết thực; thiếu tầm nhìn xa trông rộng... Những biểu hiện như thế đã được Hồ Chí Minh chỉ ra và yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải kiên quyết khắc phục sửa chữa cho bằng được.

Để có phong cách làm việc khoa học, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”(4) và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”(5) . Khi ra các quyết định phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động bất ngờ và tránh xa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận. Người đã phê phán gay gắt những cán bộ mắc “bệnh cận thị”. Không thấy xa trông rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ... Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn”(6).

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh còn được biểu hiện rõ ở chỗ khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người lãnh đạo phải biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc một cách khoa học, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển “phương pháp làm việc biện chứng” - vốn được Người xem là ưu điểm chủ yếu của chủ nghĩa Mác-Lênin. Với tư cách là nhà khoa học chân chính, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ “con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học”(7) và trên thực tế, mọi cái nhìn của Người đối với các vấn đề theo cách nhìn của nhà khoa học, có tính khoa học. Người thường dùng phương pháp so sánh các sự việc, hiện tượng theo thời gian, không gian, tính chất để làm nổi bật vấn đề.

3. Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước cấp dưới và quần chúng. Người sớm nhận thức sâu sắc rằng: sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyên tắc này đòi hỏi trong hoạt động của người cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn để vận dụng lý luận một cách phù hợp, sáng tạo, qua thực tế mà bổ sung, phát triển lý luận. Phải phòng chống bệnh giáo điều, xét lại và chủ nghĩa kinh nghiệm, xem thường lý luận. Hồ Chí Minh đã nêu một kiểu mẫu về sự gắn kết chặt chẽ, khoa học giữa lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng thời thể hiện một tấm gương sáng về nói đi đôi với làm và nêu gương cho mọi người học tập, làm theo.

Hồ Chí Minh đã phê phán một số cán bộ chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được và yêu cầu cán bộ, đảng viên nói là phải làm. Muốn vậy phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh người khác, phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức. Đối với tổ chức Đảng, Người chỉ rõ “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của Nhân dân đối với Đảng”(8).

4. Học tập tác phong dân vận Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Tác phong công tác của người cán bộ dân vận của Đảng là cách làm việc, hoạt động, liên hệ với Nhân dân để thực hiện “Dân vận khéo” theo chức năng được phân công. Với nhiều thời cơ và thách thức, công tác dân vận đứng trước nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn mới. Người cán bộ dân vận càng phải rèn luyện để có tác phong công tác phù hợp, dễ đi vào lòng người, tạo được ảnh hưởng tích cực. Dưới đây là một số nét về tác phong công tác của người cán bộ dân vận cần có:

Gần dân, lắng nghe dân: Gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe người dân, đoàn viên, hội viên nói, hiểu rõ những khúc mắc và nỗi băn khoăn, lo lắng cũng như nguyện vọng của họ; trò chuyện, trả lời các câu hỏi về cuộc sống đời thường của dân, của đoàn viên, hội viên; đến với những người đang gặp khó khăn, những người có vướng mắc... để cảm thông, chia sẻ, góp phần tháo gỡ những bức xúc và là để hiểu rõ mong muốn của họ. Trong công tác dân vận, cần phải tránh tình trạng: “chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”(9), có hại cho dân, cho nước.

Gương mẫu, dân chủ, chân tình: Tôn trọng và chấp hành nghiêm quyết định của Đảng, Nhà nước và của tập thể; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định của tập thể. Nhận việc khó về mình, nhường nhịn quyền lợi với người dưới quyền mình và người có khó khăn hơn mình; nói gọn, rõ, dễ hiểu; nói thẳng, nói thật về công việc; hỏi ý kiến, nghe góp ý của cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân về các chủ trương, công việc; tiếp thu và ủng hộ điều hay, lẽ phải, cái mới, cái sáng tạo; có tình cảm, trách nhiệm, tin tưởng và quan hệ tốt với đồng chí, đồng nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”(10).

Thận trọng, khoa học: Công việc luôn đặt rõ yêu cầu, có kế hoạch, có biện pháp cụ thể để thực hiện đạt kết quả; điều tra, nghiên cứu, nắm chắc tình hình, xác định cách làm phù hợp; kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn, phổ biến kinh nghiệm hay để nơi nơi thực hiện, người người quan tâm và tham gia; phân tích, sơ kết, tổng kết công tác để thấy rõ cái hay, cái dở, có đúng, cái sai; giúp nhau khắc phục thiếu sót, yếu kém, để nâng cao trình độ qua công việc của mình; nhìn nhận, đánh giá cho đúng thực chất; không chạy theo thành tích, không bi quan trước thiếu sót, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”(11).

Việc dân vận cần phải tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi: Cán bộ dân vận phải tổ chức các hoạt động của quần chúng và phần lớn các hoạt động này đều tổ chức ở ngoài giờ hành chính; đi tới đâu phải quan sát và suy nghĩ đến đó; khi gặp khó khăn, cần tìm và nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm; khi soạn thảo chủ trương, khi giải trình hoặc thuyết phục một nội dung cần phải dựa vào nguồn tư liệu sách, báo; khi chưa hiểu rõ vấn đề chuyên môn phải dựa vào tư vấn của chuyên gia có đủ độ tin cậy; khi quyết định một chủ trương cần phải được chuẩn bị và đưa ra tập thể bàn bạc. Muốn làm tốt công tác dân vận, người cán bộ cần đặt ra những câu hỏi: “Vì sao? Làm thế nào? Làm lúc nào? Ai thực hiện? Bao giờ xong? Hiệu quả ra sao?”... Người cán bộ dân vận luôn suy nghĩ, trăn trở trước những vướng mắc, khó khăn và các câu hỏi của quần chúng.

Đảng ta yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và thực hành phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Do vậy, công tác của người cán bộ dân vận vừa khó khăn, mới mẻ, vừa có ý nghĩa và hàm chứa tình cảm sâu sắc.

Những tố chất trong tác phong công tác của cán bộ dân vận. Hoạt động và công tác trong môi trường tiếp xúc nhiều cán bộ và quần chúng tích cực, luôn được thử thách trước đòi hỏi ngày càng cao của tổ chức, đoàn viên, hội viên sẽ làm cho những cán bộ dân vận nhanh chóng trưởng thành. Điều đó được thể hiện ở những nét đặc trưng: Suy nghĩ lành mạnh; thạo việc và nhạy cảm; bản lĩnh và tự tin; luôn tích lũy kinh nghiệm và có ý chí vươn lên; tác phong giản dị, hoà mình với quần chúng và thực hiện “ Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” như Bác Hồ căn dặn.

Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng và phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, làm cho mọi cán bộ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung yêu cầu của học tập và làm theo phong cách làm việc của Hồ Chí Minh. Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách làm việc của từng loại cán bộ lãnh đạo, quản lý cho phù hợp. Khắc phục kịp thời những biểu hiện nhận thức hời hợt, phiến diện, chỉ thấy phong cách làm việc là do cá tính riêng của từng người và môi trường làm việc quy định; không thấy được mối quan hệ giữa phong cách làm việc với năng lực công tác và phẩm chất chính trị đạo đức, giá trị nhân văn của người cán bộ cách mạng.

Điều rất quan trọng là trong công tác cán bộ cần phải xem xét, đánh giá phong cách làm việc của cán bộ một cách khách quan, khoa học, góp phần làm cơ sở để cất nhắc đề bạt, luân chuyển, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.

1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.246, 248.

3, 4, 5. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.505, 239, 257.

6. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 257.

7. Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.298.

8. Hồ Chí Minh, t.5, tr. 250.

9. Hồ Chí Minh, t.5, Sđd, tr. 232.

10. Hồ Chí Minh, t.5, Sđd, tr 247.

11. Hồ Chí Minh, t.5, Sđd, tr.348.

TS. Nguyễn Văn Hùng
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN